16/10/2023 11:06
Đồng chí Trần Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội LHPN xã Phong Phú cho biết: hiện nay, tại các chi hội ở ấp Đồng Khoen, Kinh Xáng... được các hội viên tận dụng các diện tích đất trũng, ao mương trong vườn để phát triển nghề trồng sen lấy ngó, bông… mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Trước đây, các diện tích này thường được bỏ trống và khi vào mùa triều cường, mưa thì ngập úng, không trồng lúa được.
Chị Thạch Sa Phuy, ấp Đồng Khoen, xã Phong Phú cho biết: gia đình có 0,5ha đất trồng lúa; trong đó có 0,1ha đất nằm cặp kênh nên thường bị ngập úng, không tháo cạn được nước để làm lúa và diện tích này còn làm điểm trữ nước vào mùa khô để bơm tát cho ruộng lúa. Thấy vậy, gia đình chọn cây sen vào trồng thử, không ngờ hiệu quả mang lại rất cao; chi phí trồng sen không cao, khoảng 02 - 2,5 triệu đồng/1.000m2 và cho thu nhập từ 01 - 1,2 triệu đồng/tháng. Sau 03 tháng trồng là bắt đầu sen cho ngó, hiện giá ngó sen khoảng 40.000 đồng/kg, bình quân thu hoạch 02 - 03 đợt/tháng, mỗi đợt từ 07 - 08kg ngó sen.
Cán bộ Hội LHPN xã tìm hiểu mô hình trồng sen lấy ngó của chị Thạch Sa Phuy.
Cùng ở ấp Đồng Khoen, xã Phong Phú, chị Thạch Thị Ơi phấn khởi, cho biết: thấy các chị trong Hội trồng sen cho thu nhập khá ổn định và dễ trồng, dễ chăm sóc… chỉ sau khoảng 03 tháng trồng, là bắt đầu thu hoạch ngó sen. Vì vậy, gia đình quyết định chuyển 0,2ha diện tích đất ruộng không trồng được lúa, do thường xuyên ngập úng sang trồng sen, hiện sen đã được gần 02 tháng tuổi.
Còn tại Ấp 1, xã Phong Thạnh đã có gần 50 hộ chuyên trồng rau nhút, bình quân mỗi hộ trồng từ 0,2 - 01ha mặt nước rau nhút; riêng hội viên Hội LHPN ở ấp thành lập mô hình “Tổ phụ nữ trồng rau nhút trên ruộng”, với diện tích gần 07ha/20 hộ.
Chị Lý Thị Đến, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Ấp 1, xã Phong Thạnh chia sẻ: từ khi chuyển đổi các diện tích đất trũng, do sản xuất lúa không hiệu quả, nên chuyển sang trồng rau nhút… các hội viên đều khấm khá lên, như hội viên Nguyễn Thị Kiều, Nguyễn Thị Khuyên, Ngô Thị Thắm... Bình quân thu nhập của các hộ trồng rau nhút dao động từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm. Ngoài trồng rau nhút dưới ruộng, các hộ còn trồng xen rau bồ ngót trên các bờ bao xung quanh ao trồng rau nhút để tăng thêm thu nhập.
Cũng theo chị Lý Thị Đến, Hội còn tạo điều kiện cho các thành viên trong tổ vay vốn (92 triệu đồng) từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn giúp nhau trong Hội... để các thành viên đầu tư mua vật tư nông nghiệp, phục vụ chăm sóc và mở rộng diện tích trồng rau nhút để giúp hội viên chuyển đổi sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với vùng đất của địa phương.
Chị Ngô Thị Thắm, hội viên Chi hội Phụ nữ Ấp 1 cho biết: từ khi gia đình chuyển sang trồng rau nhút từ năm 2020 đến nay, đã giúp gia đình có thu nhập ổn định và thoát nghèo. Với diện tích gần 0,4ha, mỗi tháng gia đình thu hoạch 04 đợt, mỗi đợt từ 02 - 2,5 triệu đồng.
Đồng chí Triệu Thị Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Cầu Kè cho biết: bên cạnh thực hiện công tác truyền thông về biến đổi khí hậu trong hội viên và phụ nữ, Hội còn xây dựng và triển khai nhiều mô hình như phân loại rác thải và xử lý rác hữu cơ; mô hình ủ phân hữu cơ; nuôi gà đệm lót sinh học, trồng màu thích ứng biến đổi khí hậu… Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức, làm thay đổi hành vi của người dân, hội viên về biến đổi khí hậu.
Thông qua dự án “tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” do Tổ chức Na-Uy tài trợ, huyện Cầu Kè đã thành lập được 05 tổ tham gia hành động bảo vệ môi trường, với 75 thành viên ở xã Hòa Ân.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.