21/05/2024 10:37
Tham dự hội thảo có đồng chí Trần Bình Trọng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; UBND, các ban, ngành thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải cùng hơn 70 nông dân.
Tại hội thảo, đại biểu và nông dân tập trung trao đổi, thảo luận về các giải pháp phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Trong đó, nhiều tham luận tập trung làm rõ những giải pháp phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đánh giá kết quả về nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, định hướng phát triển trong thời gian tới.
Đại biểu tham dự hội thảo.
Quy trình kỹ thuật trong thực hiện mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh; thuận lợi, khó khăn trong sản xuất, cung ứng giống tôm nước lợ; vấn đề môi trường và dịch bệnh trong nuôi tôm công nghệ cao hiện nay... làm cơ sở, tham mưu, đề xuất giải pháp nhằm phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Tham luận tại hội thảo, đồng chí Lê Tân Thới, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Quản lý chất lượng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định: thời gian qua dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, như bệnh phấn trắng, gan tụy ở tôm kéo dài, gây thiệt hại nhưng với kết quả chuyển giao khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm của nông dân, nên phong trào nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh và hiệu quả.
Năm 2023, toàn tỉnh có 1.856 hộ nuôi tôm công nghệ cao, với 4.142 lượt ao, diện tích gần 600ha, với hơn 07 tỷ con giống. Ngoài ra, tỉnh còn có tiềm năng và thế mạnh về nuôi thủy sản, trong đó nuôi tôm nước lợ; năm 2023 diện tích nuôi đạt 31.650ha (tôm sú 24.150ha, chiếm 76,3%, tôm thẻ 7.500ha, chiếm 23,7%); so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Trà Vinh đứng thứ 06 về diện tích và thứ 05 về sản lượng nuôi.
Để giúp nông dân giảm rủi ro, tại hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Công Thức, Phó Trưởng bộ phận Nuôi trồng trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản - Quản lý chất lượng - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có bài tham luận về “Quy trình nuôi tôm công nghệ cao 02 giai đoạn”.
Tuy Trà Vinh có thế mạnh nuôi thủy sản, bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay ngành nuôi tôm, trong đó có mô hình nuôi công nghệ cao đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: hạ tầng nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, thức ăn, thuốc, các chế phẩm phục vụ cho nuôi tôm, môi trường ngày càng suy thoái, ô nhiễm, dịch bệnh khó xử lý… từ đó, dẫn đến sản phẩm thấp, hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, thiếu bền vững.
Nhằm giúp nông dân từng bước khắc phục, tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Trúc Linh, Giảng viên Bộ môn Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh có bài tham luận “Bệnh hoại tử cấp tính ở tôm và biện pháp phòng trị”.
TS Nguyễn Thị Trúc Linh, Giảng viên Bộ môn Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh có bài tham luận tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Bình Trọng ghi nhận sự phối hợp của các sở, ngành, đồng hành cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật đến nông dân.
Đồng chí Trần Bình Trọng nhấn mạnh: ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là vấn đề đang được quan tâm. Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, ngày 23/01/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu “Tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, phương thức tổ chức theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chuỗi giả trị, hiện đại và bền vững dựa trên nên tảng ứng dụng công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường”.
Các báo cáo tham luận, ý kiến của đại biểu tại hội thảo là cơ sở để Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, đề xuất cơ quan chức năng hỗ trợ, góp phần phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Tin, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.