11/10/2022 14:41
Tham dự hội thảo có bà Lê Tuyết Hồng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh; ông Diêu Hùng Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè và đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện: Cầu Kè, Tiểu Cần, Càng Long, Châu Thành cùng với 60 nhà vườn trồng bưởi…
Đến cuối tháng 9/2022, toàn tỉnh có trên 2.000ha diện tích trồng bưởi, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, một số vùng đạt 25 tấn/ha; hàng năm cho sản lượng trên 17.000 tấn.
Theo bà Lê Tuyết Hồng, trước thực trạng bất cập trong phát triển cây bưởi ở Trà Vinh, như quy trình kỹ thuật, phòng trừ dịch hại còn hạn chế; sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tập trung, không đáp ứng được yêu cầu cho chế biến quy mô công nghiệp, chủ yếu tiêu thụ qua thương lái. Sản phẩm có giá thành về chi phí đầu tư còn cao, nhà vườn gặp khó khăn trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước...
Tại hội thảo, các diễn giả trình bày về quy trình kỹ thuật canh tác và phòng, trừ dịch hại trên cây bưởi; các giải pháp để gia tăng và phát triển bền vững cây bưởi; về chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông Diêu Hùng Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè.
Ông Diêu Hùng Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè chia sẻ: cây bưởi được phát triển rất mạnh ở Cầu Kè; với diện tích 387ha, cho sản lượng 4.649 tấn/năm. Tuy nhiên, việc phát triển cây bưởi trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, do trồng nhỏ lẻ, chất lượng chưa đồng đều, dịch bệnh xảy ra trên cây bưởi (sâu đục trái, bệnh vàng lá…).
Thời gian tới, huyện sẽ tập trung mở rộng diện tích vườn bưởi chuyên canh; đa canh với các cây trồng đặc sản khác như dừa sáp, xoài, chôm chôm… vận động nhà vườn tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP, OCOP. Triển khai các chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã thực hiện các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, OCOP… gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã bưởi Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần cho biết: bưởi da xanh khá phù hợp với nhiều vùng đất trên địa bàn huyện Tiểu Cần, năng suất từ 12 - 15 tấn/ha, với giá bưởi hiện nay (30.000 đồng/kg), nhà vườn thu lời từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm. Đối với hợp tác xã hiện có 54 thành viên tham gia trồng trên diện tích 31ha và sản phẩm bưởi da xanh được công nhận đạt OCOP 3 sao.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Lùng trao đổi với ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã bưởi Hùng Hòa về những khó khăn của nhà vườn về quy trình canh tác.
Ông Nguyễn Văn Vũ, kiến nghị thời gian tới ngành nông nghiệp cần xây dựng các mô hình thí điểm về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sản xuất hữu cơ sinh học trên cây bưởi. Hỗ trợ cho các hợp tác xã, người trồng bưởi tham gia liên kết, kết nối thị trường với các doanh nghiệp đầu mối.
Tin, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.