23/12/2022 13:15
Đồng chí Trần Bình Trọng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh ghi nhận các ý kiến đóng góp và kiến nghị từ các diễn giả và người nuôi dê tại hội thảo.
Tham dự hội thảo có đồng chí Trần Bình Trọng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Thái Phước Lộc, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Trương Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải; PGS.TS Lâm Thái Hùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cùng 100 nông dân là các hộ nuôi dê trên địa bàn huyện Duyên Hải, thị xã Duyên Hải và cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, thị xã Duyên Hải; đơn vị liên kết, thu mua sản phẩm (Doanh nghiệp tư nhân Thủy Vân - thành phố Trà Vinh)…
Đồng chí Trần Bình Trọng thông tin: hiện nay, nghề nuôi dê ở Trà Vinh chủ yếu nuôi lấy thịt; tổng đàn khoảng 21.000 con, chiếm 0,8%/tổng đàn dê của cả nước và chiếm 05%/tổng đàn dê khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Dê được nuôi nhiều ở huyện Duyên Hải, chiếm 63,8%/tổng đàn dê của tỉnh; thị xã Duyên Hải chiếm 15,49%/tổng đàn. Một số bất cập trong nuôi dê hiện nay: hình thức nuôi thả lan là chủ yếu; sản xuất theo hướng an toàn chưa được người dân quan tâm; người nuôi dê gặp khó khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ…
Tại hội thảo, đại biểu băn khoăn về giá dê thịt hiện giảm mạnh; quá trình nuôi thường xuất hiện đẻ non trên dê (sau 03 lứa nuôi), hỗ trợ gieo tinh nhân tạo trên đàn dê giống, cung cấp dê giống… Qua đó, các diễn giả đã tập trung thảo luận và đưa ra các định hướng cho phát triển nghề nuôi dê, sản xuất theo hướng an toàn; cũng như các biện pháp quản lý Nhà nước…
PGS.TS Lâm Thái Hùng thông tin với các đại biểu về những kết quả nghiên cứu phát triển đàn dê.
Diễn giả, PGS.TS Lâm Thái Hùng phân tích: để nâng cao giá trị trong nuôi dê, bên cạnh nguồn thức ăn công nghiệp, người nuôi có thể tận dụng các nguồn phụ phẩm tại địa phương: lá khoai mì, phụ phẩm từ cây chuối, các loại lá rau cải, dây bìm bìm…
Thời gian tới, để từng bước nâng cao chuỗi giá trị trong nuôi dê, cần phải tập trung nâng cao chất lượng đàn dê giống, quy trình nuôi. Về phía tỉnh đã hoàn thành dự án chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nuôi dê lai (giữa giống dê Boer với giống dê Bách thảo), nghiệm thu tháng 6/2022. Do đó, để nâng cao chất lượng đàn dê thịt, hiện nay, giống dê ngoại Boer đang được lựa chọn để nhân và lai tạo với giống dê tại địa phương.
Diễn giả, Kỹ sư Nguyễn Thanh Thủy thảo luận về liên kết trong phát triển nghề nuôi dê.
Diễn giả, Kỹ sư Nguyễn Thanh Thủy (DNTN Thủy Vân - thành phố Trà Vinh) thông tin: nguồn cung ứng thịt dê hơi trên thị trường hiện nay còn nhỏ lẻ. Để phát triển nghề nuôi dê bền vững, người nuôi cần chuyên nghiệp hóa từ khâu con giống - chăm sóc - đầu ra sản phẩm thông qua việc nuôi dê theo hướng chuyên canh và có định hướng rõ ràng và hình thành các tổ/nhóm trong nuôi dê để giảm chi phí, nâng cao chất lượng… Người nuôi dê trước kinh tế thị trường và công nghệ 4.0 hiện nay, cần tập trung hướng đến kết nối chuỗi cung - cầu…
Tin, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.