07/11/2023 13:40
Hội Nông dân huyện Thới Bình đến tham quan học hỏi kinh nghiệm hoạt động của HTX.
HTX bưởi da xanh xã Hùng Hòa có trụ sở ở ấp Hòa Trinh, với 50 thành viên, vốn điều lệ 300 triệu đồng. Tổng diện tích bưởi của các thành viên là 35ha chủ yếu là ở ấp Từ Ô, trong đó diện tích đang cho trái là 25ha, sản lượng bình quân 250 tấn trái/năm, giá bán thời điểm hiện tại trung bình 20.000 đồng/kg. Tổng thu nhập của các thành viên khoảng 05 tỷ đồng. Để tiêu thụ hết sản lượng bưởi, HTX đã ký kết với công ty thu mua Hương Miền Tây ở tỉnh Bến Tre thu mua toàn bộ diện tích bưởi của các thành viên HTX.
Ngoài việc giải quyết đầu ra sản phẩm, HTX bưởi da xanh Hùng Hòa còn giải quyết khâu đầu vào gồm cung cấp phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho các thành viên sử dụng trên cây bưởi. HTX cho các thành viên ký kết mua phân, thuốc sử dụng, đến cuối vụ mới thanh toán. Để đảm bảo chất lượng trái bưởi theo hướng an toàn thực phẩm, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, các thành viên trong HTX đều áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ. Nhờ đó đến nay sản phẩm bưởi của các thành viên HTX đã được chứng nhận đạt theo tiêu chuẩn VietGAP vào năm 2020 và được UBND tỉnh Trà Vinh công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao vào năm 2022.
Ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX bưởi da xanh Hùng Hòa cho biết: để sản phẩm bưởi của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, thời gian qua Hội đồng quản trị HTX đã vận động các thành viên thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP, hướng đến sản xuất hữu cơ. Tuyên truyền cho thành viên sản xuất ra sản phẩm vừa đạt chất lượng vừa đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Về quy trình sản xuất, HTX hướng dẫn thành viên sử dụng phân hữu cơ và thuốc sinh học là chủ yếu. Ngoài ra đối với những vườn đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, OCOP tuyệt đối không được sử dụng thuốc cỏ và các loại thuốc hóa học cấm sử dụng.
Nhằm hỗ trợ cho các thành viên HTX phát triển diện tích bưởi, năm 2019 - 2020 Dự án Thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh (Dự án AMD Trà Vinh) đã đầu tư hệ thống tưới phun cho cây bưởi với tổng số vốn 285 triệu đồng. Riêng Hội Nông dân huyện còn kết hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua nguồn vốn ủy thác đã đầu tư cho các hộ trồng bưởi của HTX.
Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiểu Cần cho biết: mô hình trồng bưởi của HTX được Hội Nông dân huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư vốn; phối hợp ngành chuyên môn tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăm sóc bưởi. Qua đó đã có nhiều hộ cải tạo vườn tạp để trồng bưởi, đến nay đạt hiệu quả rất cao. Thời gian tới có thể chúng tôi sẽ nhân rộng ra cho các hội viên nông dân khác trên địa bàn huyện.
Hiện nay ngoài việc ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bưởi trái và cung cấp dịch vụ đầu vào cho các thành viên, HTX bưởi da xanh Hùng Hòa còn thực hiện thêm dịch vụ mua bán một số lọai cây giống, trong đó có giống bưởi da xanh chiết cành để cung cấp cho thị trường.
Hội Nông dân huyện Thới Bình đến tham quan học hỏi kinh nghiệm hoạt động của HTX.
Từ hiệu quả hoạt động của HTX, ngày 27/10 Hội Nông dân huyện Thới Bình kết hợp với Hội Nông dân tỉnh Cà Mau tổ chức đoàn cán bộ đến tham quan học tập kinh nghiệm về hoạt động của HTX và quy trình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Tại đây, đoàn tham quan tìm hiểu về việc thành lập và hoạt động của HTX đến các khâu xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho trái bưởi và việc tiếp cận thị trường tiêu thụ; đồng thời trực tiếp tham quan vườn bưởi hơn 6.000m2 của một hộ thành viên HTX. Qua tham quan các đại biểu đánh giá rất cao về hiệu quả các diện tích bưởi của địa phương.
Ông Phù Công Triều, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau chia sẻ: qua tham quan vườn bưởi của thành viên HTX Hùng Hòa, chúng tôi thấy bưởi phát triển rất tốt, trái đẹp. Ngoài ra, qua trao đổi với lãnh đạo HTX Hùng Hòa chúng tôi còn được biết thêm về doanh thu của HTX. Sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ nghiên cứu và áp dụng thí điểm mô hình này ở những vùng đất phù hợp, nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế cho hội viên nông dân ở huyện Thới Bình.
Được biết, xã Hùng Hòa là địa phương có phần lớn người dân sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Việc xây dựng thành công HTX bưởi da xanh và ngày càng mở rộng diện tích, cũng như xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm trái bưởi có thể xem là một thành công của địa phương. Từ hoạt động của HTX không chỉ góp phần tích cực cho việc chuyển đổi cây trồng ở vùng đất này, mà con góp phần thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (tức chương trình OCOP) trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Bài, ảnh: KHẮC PHÚ, CHÍ HẸN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.