06/09/2021 17:22
Từ cuối năm 2019, nhất là từ đầu năm 2021 đến nay, các HTX, trên trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh (PCDB) Covid-19, vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tích cực cho thành viên trong sản xuất, tiêu thụ nông sản... góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và tái cơ cấu kinh tế.
“Chỗ dựa” vững chắc cho thành viên
Ông Trần Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Phát Tài tham gia đóng bao lúa giống. |
Trao đổi cùng chúng tôi, ông Trần Văn Công, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu cho biết: HTX được thành lập vào năm 2014, năm 2021 là năm khó khăn nhất kể từ ngày thành lập. Nhưng nhờ trong quá trình hoạt động, HTX luôn quan tâm đến quy hoạch vùng sản xuất trong thành viên, đến nay đã quy hoạch được 47ha sản xuất giống và 223ha sản xuất lúa chất lượng cao. Năm nay, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song HTX vẫn “giải phóng” hết sản lượng lúa của thành viên. Với phương thức hoạt động: đầu vụ, HTX đầu tư ứng trước vốn như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… cho thành viên sản xuất, khi thu hoạch, mua lại với giá cao hơn thương lái tại địa phương. Từ đó, giúp thành viên an tâm đầu tư sản xuất. Cốt lõi của phương thức này là HTX và nông dân giữ chữ tín trong hợp đồng đã ký kết giữa HTX và nông dân. Kết quả, vụ lúa hè - thu năm 2021, HTX đã tiêu thụ cho thành viên trên 600 tấn lúa giống, trên 10.000 tấn lúa thương phẩm, giá cao hơn giá thị trường từ 300- 500 đồng/kg.
Tại HTX nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành), ông Trần Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX cho biết: HTX được thành lập vào năm 2017, qua hơn 04 năm hoạt động, đã qua 11 vụ sản xuất lúa; vụ lúa hè - thu năm nay, HTX tiếp tục khẳng định “chữ tín” với thành viên. Hiện HTX có 74 thành viên, với diện tích 150ha. Trong đó, chuyên sản xuất lúa giống là 25ha, còn lại sản xuất lúa thương phẩm. Vụ lúa hè - thu năm nay, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nên năng suất lúa của thành viên trong HTX đạt hơn 06 tấn/ha, cao hơn lúa bên ngoài; đồng thời, HTX đã thu mua tất cả lúa giống cũng như lúa thương phẩm của thành viên...
Trong điều kiện khó khăn chung, Liên minh HTX tỉnh đã tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển HTX. Đặc biệt, phối hợp với một số địa phương, Hội Nông dân hỗ trợ tiêu thụ cho thành viên HTX một số nông sản: nhãn, thanh long… Đồng thời, thành lập Tổ tiêu thụ sản phẩm HTX cho các HTX trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng dịch Covid-19, bước đầu hoạt động hiệu quả.
Song song đó, công tác hỗ trợ vốn cũng được tăng cường, giúp HTX vượt qua khó khăn trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp: Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh hỗ trợ 11 HTX, với 5,280 tỷ đồng, dư nợ đến nay 3,898 tỷ đồng; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ vay cho một số HTX do tác động của dịch Covid-19. Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm Trung ương cấp 01 tỷ đồng, đã giải ngân 100% cho 20 dự án thuộc 06 HTX vay. Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam, hỗ trợ HTX Xây dựng và Môi trường Trà Vinh và HTX may mặc Nguyên Cường vay 1,450 tỷ đồng mua phương tiện máy móc phục vụ sản xuất. Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh tổ chức nghiệm thu, bàn giao các nội dung tư vấn, hỗ trợ HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực tại HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu, tổng kinh phí hỗ trợ 320 triệu đồng; đến nay có 06 HTX tham gia xây dựng chuỗi giá trị. Đồng thời, Dự án VCCI (chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) hỗ trợ 02 bộ máy phân loại nghêu cho 02 HTX nghêu trên địa bàn tỉnh, tổng trị giá 100 triệu đồng.
Trong 08 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh thành lập mới 10 HTX và 01 Liên hiệp HTX, đạt 110% chỉ tiêu UBND tỉnh giao; đạt 55% chỉ tiêu phấn đấu của Tỉnh ủy và của Ban Chấp hành Liên minh HTX; thu hút mới 317 thành viên, với vốn điều lệ 5,027 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 01 Liên hiệp HTX, 169 HTX đang hoạt động. Trong đó, có 125 HTX nông nghiệp, 28 HTX phi nông nghiệp, 16 quỹ tín dụng, tổng vốn điều lệ 165,123 tỷ đồng, với 29.912 thành viên. |
Bà Lê Thu Nhạn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh khẳng định: Liên minh HTX sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; đẩy mạnh tuyên truyền Luật HTX năm 2012 và các chính sách hỗ trợ HTX cho các địa phương. Tăng cường phối hợp với các ngành và địa phương tổ chức tư vấn, hỗ trợ vận động thành lập mới HTX đạt theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát củng cố các HTX yếu kém, giải thể các HTX ngưng hoạt động; phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và thành viên HTX; hỗ trợ HTX tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, ứng dụng kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, chế biến nông sản, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho thành viên HTX do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19...
Hỗ trợ nông dân thu mua, tiêu thụ sản phẩm
Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, do đó việc tiêu thụ và vận chuyển hàng hóa nông sản trong nông dân gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, một số mặt hàng nông sản trong thời gian vào vụ thu hoạch như vụ lúa hè - thu, rau, màu các loại…
Nhằm giúp nông dân vận chuyển, thu mua nông sản cũng như hỗ trợ các nguồn vốn đầu tư trong sản xuất, nhiều HTX, tổ hợp tác (THT) ở một số huyện đã đồng hành cùng nông dân tham gia hỗ trợ, làm cầu nối tiêu thụ, thu mua nông sản. Qua đó, góp phần giải quyết những khó khăn cho người sản xuất và tạo vốn tái đầu tư sản xuất.
Xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè là một trong những địa phương hiện đang gặp nhiều khó khăn do địa bàn xã có nhiều trường hợp bị dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 và đang vào điểm thu hoạch vụ lúa hè - thu… nên việc thu hoạch, tiêu thụ lúa hàng hóa trong từng hộ dân gặp nhiều khó khăn. Có thể thấy đây là thời điểm vai trò của các HTX, THT trong sản xuất nông nghiệp phát huy tính liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng vật tư nông nghiệp - thu mua nông sản, liên kết tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp, cơ sở trong và ngoài địa phương. Hiện trên địa bàn xã có HTX nông nghiệp Việt Thành, với diện tích sản xuất lúa 172ha.
Nói về mô hình liên kết sản xuất cho người dân trên địa bàn xã trong tình hình thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch bệnh (PCDB) Covid-19, ông Kiên Tâm, Giám đốc điều hành HTX nông nghiệp Việt Thành cho biết: từ giữa tháng 7/2021, khi trà lúa hè -thu bắt đầu vào vụ thu hoạch, cùng với đó trên địa bàn xã cũng xuất hiện các ca dương tính với vi-rút SARS-COV-2, nên các thương lái rất ngại vào mua lúa của nông dân. Đồng thời, nhiều nông dân và thành viên trong HTX cũng gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư cho tái sản xuất ở vụ lúa thu - đông. Thông qua vai trò HTX, đến cuối tháng 8/2021, đã thực hiện thu mua lúa trực tiếp cho nông dân và làm cầu nối giới thiệu cho các doanh nghiệp, cơ sở ngoài huyện đến mua lúa của nông dân hơn 1.000 tấn lúa thương phẩm. Từ đó, đã thu hút nhiều thương lái của các doanh nghiệp, cơ sở xuất khẩu lúa gạo ở ngoài tỉnh đến tham gia thu mua lúa cho toàn bộ diện tích sản xuất lúa (trên 1.150ha) trên địa bàn xã Hòa Ân; theo giá lúa cũng từng bước được nâng lên so với thời điểm vào cuối tháng 7/2021, hiện dao động từ 4.500-4.600 đồng/kg (lúa hạt tròn) và từ 4.700-4.800 đồng/kg (lúa hạt dài)…
Thương lái thu mua lúa ở xã Hòa Ân do HTX nông nghiệp Việt Thành làm cầu nối.
Cũng theo ông Kiên Tâm, ngoài tham gia tiêu thụ lúa hàng hóa cho các thành viên trong HTX và nông dân; HTX còn tạo điều kiện gia hạn vốn vay cho các thành viên khi đầu tư mua vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất ở vụ lúa hè - thu năm 2021 do ảnh hưởng về năng suất, giá lúa giảm… với số tiền gần 500 triệu đồng. Đây cũng là một phần chia sẻ khó khăn cùng với người sản xuất để các thành viên tiếp tục có điều kiện tập trung đầu tư cho vụ sản xuất lúa thu - đông sắp tới.
Trong thời điểm khó khăn về tình hình thu hoạch và tiêu thụ rau, màu của nông dân trước dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tại địa bàn xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải là vùng chuyên canh cây màu khá lớn; trong đó có trên 80% đồng bào Khmer tham gia sản xuất. Ngay từ thời điểm giữa tháng 7/2021 đến nay, thông qua HTX Nông nghiệp Hữu cơ Ngũ Lạc đã giúp nông dân trong và ngoài xã Ngũ Lạc tổ chức thu mua, tiêu thụ từ 4,5-05 tấn rau, quả, củ các loại/ngày; tạo được an tâm cho các thành viên trong HTX cũng như đối với người trồng màu trước khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Thành Cảnh, Giám đốc HTX nông nghiệp Hữu cơ Ngũ Lạc cho biết: hiện HTX có 56 thành viên, tổng diện tích trồng màu hơn 15ha và 20ha sản xuất lúa, tất cả đều theo hướng sạch, an toàn; trong thời điểm từ tháng 7/2021 đến nay, phía HTX luôn đồng hành cùng nông dân thu mua, tiêu thụ nông sản; HTX đã liên tục tìm kiếm, xây dựng các chuỗi liên kết cung ứng hàng cho các đối tác ngoài tỉnh, tuy thời gian đầu gặp nhiều khó khăn do một số tỉnh, thành đòi hỏi các thủ tục về vận chuyển, xuất hàng không đồng bộ, nên lượng hàng thu mua và đưa đi tiêu thụ bị đứt gãy khoảng 10 ngày, đến nay đã thông thoáng về đầu ra. Giá đầu ra của nông sản tương đối ổn định, nên phía HTX cũng tăng mạnh về đầu vào trong thu mua nông sản của nông dân, điển hình như giá bầu, bí hiện dao động từ 8.000-10.000 đồng/kg (tương đương với thời điểm trước khi thực hiện giãn cách xã hội), dưa leo 5.000-5.500 đồng/kg…
Chị Quách Thị Út, Tổ trưởng THT trồng rau ăn lá ấp Phố, xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú cho biết: với đặc thù là vùng chuyên canh về rau ăn lá, nên sau khi thu hoạch rất khó bảo quản lâu. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là sản lượng rau ăn lá của THT khi hàng ngày phải thu hoạch từ 600-700kg. Để duy trì hoạt động của các thành viên trong tổ và đảm bảo đầu ra sản phẩm cho các hộ trồng màu (32 thành viên, diện tích 3,5ha), giá thu mua rau ăn lá được THT tiêu thụ tại nhiều địa điểm trong huyện, xã. Đến nay, 100% sản lượng rau ăn lá thu hoạch được tiêu thụ hết, không xảy ra tình trạng ứ đọng hàng nông sản; với giá bán tương đối ổn định, như cải ngọt, bẹ xanh 6.000-7.000 đồng/kg; xà lách, rau thơm 15.000 đồng/kg… nên các hộ trồng màu trong THT (trên 70% số hộ cận nghèo và thoát nghèo) đã ổn định cuộc sống với thu nhập từ rau ăn lá.
Niềm tin mà ông Lâm Thành Cảnh tâm đắt, chia sẻ với chúng tôi là qua tình hình dịch bệnh hiện nay, trong chuỗi liên kết, vai trò của HTX đã đồng hành với nông dân giúp nông dân đã tin tưởng, trao niềm tin cho HTX khi không bỏ rơi họ trong tình hình khó khăn về đầu ra của nông sản. Thực tế là một số thương lái khi thu mua đứt đoạn với nông dân, trong khó khăn đã để người sản xuất tự tìm đầu ra, vốn sản xuất…; còn phía HTX đã tìm kiếm đầu ra để thu mua lại nông sản cho thành viên và chia sẻ khó khăn về vốn đầu tư giúp thành viên ổn định sản xuất…
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN, HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.