19/04/2021 10:03
Mô hình sản xuất lúa giống của HTX nông nghiệp Phát Tài.
HTX nông nghiệp Phát Tài, tọa lạc tại ấp Ô Tre, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, chuyên sản xuất các loại lúa giống, lúa hàng hóa; cung cấp vật tư nông nghiệp cho xã viên, do ông Trần Văn Chung, sinh năm 1964 làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc. HTX được thành lập vào đầu tháng 9/2017, sau gần 04 năm đi vào hoạt động, đã qua 10 vụ sản xuất lúa, đến nay HTX đã tạo được “thế và lực” và đã tìm được “tiếng nói chung” với thành viên; thật sự là chỗ dựa vững chắc của thành viên. Điều này được minh chứng rõ nét là: hiện HTX đang tiếp nhận và xem xét hơn 20 đơn của nông dân xã Thanh Mỹ và các xã phụ cận có nguyện vọng xin vào HTX.
Là thành viên của HTX từ khi mới thành lập, ông Nguyễn Văn Sáu, ngụ Ô Tre Nhỏ, xã Thanh Mỹ chia sẻ: tôi có 04ha, trong đó, có 2,5ha sản xuất lúa giống cho HTX. Nhờ liên tục được mùa, được giá, nên thu nhập của gia đình ổn định, cuộc sống phát triển và bền vững… đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều nông dân xin tham gia HTX.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Chung cho biết: thời điểm thành lập, HTX có 58 thành viên, vốn điều lệ 364 triệu đồng; hiện nay, HTX có 74 thành viên, nằm ở 06 ấp của xã Thanh Mỹ, vốn điều lệ tăng thêm hiện là 424 triệu đồng, với diện tích 150ha. Trong đó, chuyên sản xuất lúa giống là 25/150ha, còn lại sản xuất lúa thương phẩm. Vụ lúa đông - xuân 2020-2021, HTX tập trung sản xuất 06 loại giống lúa mới: OM5451, OM18, Đài Thơm 8, Hương Châu 6, OM4900, Hàm Châu. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên năng suất lúa của thành viên trong HTX luôn đạt cao hơn lúa bên ngoài. Vụ đông - xuân 2020 - 2021, năng suất lúa bình quân đạt từ 08- 09 tấn/ha (lúa tươi); cá biệt, có những thành viên đạt 10 tấn/ha (lúa tươi). Lợi nhuận bình quân đối với lúa giống của vụ lúa đông - xuân 2020-2021 gần 56 triệu đồng/ha.
Ông Trần Văn Chung giải bài toán về lợi nhuận của thành viên sản xuất lúa giống: vụ lúa vừa qua, đối với 25ha mà thành viên sản xuất lúa giống cung cấp cho HTX (06 giống lúa như đã nêu), đến khi thụ hoạch, nếu lúa đạt chuẩn, HTX thu mua cao hơn giá thương phầm trong khu vực bình quân 1.000- 1.200 đồng/kg lúa tươi, giá tùy thuộc vào lúa cấy hay lúa sạ hàng (lúa cấy có giá cao hơn). Cụ thể, HTX mua giá 7.600 đồng/kg, nếu năng suất đạt 08 tấn/ha/vụ, thì thành viên có thu nhập 60,8 triệu đồng/ha/vụ. Sau đó, HTX trừ các khoản đã đầu tư, hỗ trợ trước, như giống, phân bón, thuê nhân công cấy… khoản 03 triệu đồng/ha/vụ; thành viên còn lời hơn 56 triệu đồng/ha/vụ.
Sản xuất lúa của thành viên HTX lợi nhuận cao hơn nông dân sản xuất lúa bình thường bên ngoài được thể hiện cụ thể, ngoài được thu mua lúa giống cao hơn bình quân 1.000 đồng/kg, thành viên còn được mua phân bón của HTX với giá thấp hơn 20.000 đồng/bao phân; nếu không vốn, hoặc ít vốn, đến khi thu hoạch, thanh toán với HTX. HTX hoạt động hiệu quả, cuối năm thành viên được chia lợi nhuận theo mức góp vốn. Năm 2020, sau khi trích lợi nhuận vào quỹ dự phòng theo Luật HTX năm 2012, HTX nông nghiệp Phát Tài còn lợi nhuận gần 120 triệu đồng. Tuy lợi nhuận chưa lớn, nhưng liên tục 04 năm, đều có lợi nhuận, điều này đã khẳng định: HTX nông nghiệp Phát Tài đã đi đúng hướng; “hòa chung nhịp thở” với thành viên.
Theo ông Thái Phước Lộc, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh nói riêng, các sở, ngành liên quan nói chung, đã có nhiều nỗ lực nhằm củng cố, thành lập mới HTX, giúp HTX hoạt động ổn định. Hiện nay, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp nhằm hỗ trợ HTX nông nghiệp Phát Tài triển khai thực hiện chuỗi giá trị gạo an toàn. HTX sẽ kết nối với Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Quốc tế Âu Lạc (tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Phân bón Vi sinh Đại học Tổng hợp nay là Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội), nhằm thực hiện chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ lúa gạo an toàn thân thiện môi trường định hướng hữu cơ. Trước mắt, HTX chọn 09ha để thực hiện mô hình, sau đó đánh giá chất lượng sản phẩm gạo an toàn, từng bước nhân rộng.
Việc HTX và doanh nghiệp cùng tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp HTX tiếp cận được trình độ quản lý, định hướng kinh doanh, mở rộng diện tích sản xuất, thu hút thêm thành viên. Đây cũng chính là thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa” của Liên minh HTX Việt Nam và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.