20/04/2024 11:06
Thủy lợi nội đồng năm 2024, huyện Duyên Hải là một trong những địa phương có tiến độ và số lượng công trình thực hiện khá tốt trong việc nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh phục vụ trữ ngọt cho sản xuất...
Nông dân Kim Lai bên tuyến kênh mới được nạo vét góp phần đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lúa, trồng màu trong ấp.
Đồng chí Phạm Thị Hồng Diễm, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải cho biết: công tác thủy lợi nội đồng năm nay được các xã triển khai với tiến độ khá nhanh. Trong đó, vai trò của cộng đồng đã tích cực cùng với địa phương và ngành nông nghiệp bàn giao mặt bằng và hiến đất để thi công các công trình. Các công trình thủy lợi nội đồng đã góp phần tích cực trong việc trữ ngọt và bơm tát lên ruộng phục vụ sản xuất nông nghiệp (lúa, màu…) ở các xã Đôn Châu, Đôn Xuân, Ngũ Lạc…
Theo kế hoạch thủy lợi nội đồng năm 2024, huyện Duyên Hải sẽ triển khai thực hiện 51 tuyến kênh, tổng chiều dài hơn 45,5km. Đến giữa tháng 4/2024, đã thực hiện nạo vét hoàn thành 23 tuyến kênh; 19 công trình đang nạo vét và 09 công trình chưa triển khai, do đang chờ thu hoạch xong lúa đông - xuân và màu (ớt). Trong đó, xã Đôn Châu đã thi công hoàn thành 08/14 công trình và 06/14 công trình đang thi công đạt từ 70 - 80% tiến độ công trình; xã Đôn Xuân thi công hoàn thành 08/11 công trình; xã Ngũ Lạc thi công hoàn thành 08/14 công trình…
Nông dân Thạch Đen, ấp Bổn Thanh, xã Ngũ Lạc phấn khởi: gia đình có 1,6ha đất trồng lúa, trước đây chỉ sản xuất 02 vụ lúa; từ năm 2022 đến nay làm được 03 vụ lúa/năm; do năm 2024, tình hình nguồn nước khan hiếm, khô hạn người dân rất lo lắng. Sau khi tuyến kênh trong ấp Bổn Thanh được nạo vét, khơi dòng đã đảm bảo đủ lượng nước cho người dân sản xuất; vụ lúa đông - xuân 2023 - 2024, năng suất lúa của gia đình đạt trên 6,5 tấn/ha. Bản thân rất vui và các hộ dân có đất cặp tuyến kênh này đều đồng tình cao trong việc tạo điều kiện thuận lợi để địa phương đưa cơ giới vào thi công công trình. Riêng phần đất của gia đình có tuyến kênh đi qua dài hơn 300m.
Nông dân Kim Lai cùng ngụ ấp Bổn Thanh, xã Ngũ Lạc cho biết: nhờ có tuyến kênh nội đồng trong ấp (dài hơn 02km) vừa được nạo vét đã giúp cho các hộ trồng màu ở đây rất nhiều. Trước đây gia đình sử dụng nguồn nước giếng trong trồng màu; từ vụ màu mùa khô năm 2024, gia đình đã tận dụng nguồn nước dưới kênh để tưới cho 0,5ha đất trồng ớt; khi vào mùa mưa mới chuyển sang trồng lúa (02 vụ lúa + 01 vụ màu).
Còn tại xã Đôn Châu việc hoàn thành 14 công trình kênh nội đồng đã tác động không nhỏ đến việc trữ ngọt và giúp nông dân chủ động nguồn nước trong sản xuất trước tình hình khô hạn, mặn xâm nhập như hiện nay. Vai trò cộng đồng của người dân ở các ấp Bào Môn, Sóc Mới, Ba Sát, Tà Rom B… tích cực tham gia tạo điều kiện về mặt bằng để cho thi công nạo vét các kênh nội đồng.
Đồng chí Trầm Tấn Phát, cán bộ Nông nghiệp - Địa chính xã Đôn Châu cho biết: toàn xã có khoảng 1.240ha đất sản xuất lúa; sau khi hoàn thành 14 tuyến kênh nội đồng, sẽ giúp cho địa phương chủ động và đảm bảo nguồn nước phục vụ hơn 500/1.240ha, đây là số diện tích gặp khó về nguồn nước, do ảnh hưởng bồi lắng của các tuyến kênh.
Việc địa phương triển khai thi công nhanh các công trình thủy lợi đạt yêu cầu cao, là do ý thức của người dân ngày càng được nâng cao về tham gia công tác thủy lợi nội đồng. Một số ấp, người dân còn tự đầu tư tiền và thuê cơ giới để nạo vét kênh phục vụ việc trữ ngọt trong nội đồng.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.