26/01/2022 14:13
Để đạt hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo bền vững, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, hàng loạt chính sách được triển khai đồng bộ, cùng những cách làm hay ở cơ sở, đã giúp người nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Phương, Bí thư Huyện ủy Tiểu Cần tặng quà cho hộ nghèo trên địa bàn huyện. Ảnh: T.QUANG
Ông Nguyễn Văn Diệp, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần cho biết: trong năm 2021, những chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch… lồng ghép các chính sách giảm nghèo được triển khai mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương. Nhờ đó, nhiều gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện đã có điều kiện thoát nghèo, an cư lạc nghiệp.
Theo Bộ tiêu chí quốc gia về XDNTM, các tiêu chí: thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm và tổ chức sản xuất là những tiêu chí đặc biệt quan trọng để đạt được mục tiêu nâng cao đời sống Nhân dân. Do đó, huyện đã chỉ đạo các ngành và địa phương tích cực triển khai kế hoạch hành động, đề án và kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững. Để nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, dự án giảm nghèo, huyện đã chỉ đạo điều tra, rà soát xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo của từng hộ để có hướng hỗ trợ phù hợp.
Thông qua các tổ chức Hội, đoàn thể mà ông Thạch Cà ở ấp Tân Đại, xã Hiếu Tử được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tiểu Cần cho vay 30 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng màu, từ đó gia đình ông có điều kiện thoát cận nghèo vào năm 2021.
Ông Thạch Cà kể lại: lập gia đình năm 2010 và ra ở riêng, nhưng không tư liệu sản xuất, cuộc sống càng khó khăn hơn khi hai đứa con lần lượt ra đời. Quyết tâm phải thay đổi cuộc sống và tạo điều kiện để các con được học hành. Với 0,1ha đất ruộng cha mẹ cho khi ra ở riêng nhưng sản xuất không hiệu quả, ông Thạch Cà đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng để lên liếp trồng các loại màu như: cà chua, mướp, dưa leo... thu nhập khoảng 30-40 triệu đồng/năm. Ngoài ra, vợ ông (bà Thạch Thị Thanh Hoa) còn mua bán nhỏ tại chợ xã Hiếu Trung, thu nhập bình quân 200.000 đồng/ngày. Từ khoản tiền tích góp, vợ chồng ông đã xây dựng được căn nhà mới khang trang trị giá gần 100 triệu đồng. Ông Thạch Cà vui vẻ: “tôi rất vui khi gia đình đã thoát nghèo, năm nay, gia đình tôi được đón Tết trong ngôi nhà mới. Thời gian tới, tôi sẽ tìm hiểu trồng thêm các loại rau màu khác có giá trị kinh tế cao hơn để tăng thu nhập cho gia đình”.
Còn gia đình bà Thạch Thị Ngọc Phượng và ông Lưu Oanh Đa, cùng ấp Tân Đại, xã Hiếu Tử cũng phát triển kinh tế nhờ mô hình trồng màu. Ông Oanh Đa cho biết: thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp của xã, năm 2019, ông cải tạo 0,15ha đất vườn kém hiệu quả sang thực hiện mô hình trồng măng Tây xanh nhưng do không hợp thổ nhưỡng nên không đạt hiệu quả. Sau đó, ông chuyển sang trồng các loại màu như: dưa leo, khổ qua và thấy hiệu quả, thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/năm. Ngoài thu nhập từ trồng màu, gia đình ông Lưu Oanh Đa còn thu nhập trên 40 triệu đồng từ mô hình trồng lúa chất lượng cao và nuôi heo sinh sản.
Ông Triệu Văn Dày, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tiểu Cần cho biết: thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Thông qua nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia dạy nghề và các chương trình, dự án, các tổ chức đoàn thể đã phối hợp các doanh nghiệp và các địa phương tổ chức tư vấn, giới thiệu và giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn huyện đạt 74,50% so với tổng số lao động. Bên cạnh đó, huyện đưa 54 lao động hợp tác làm việc có thời hạn ở nước ngoài (đạt 51,42% so chỉ tiêu nghị quyết). Nhờ đó, thu nhập của người dân từng bước được nâng lên, hiện thu nhập bình quân đạt trên 67 triệu đồng/người/năm.
Trong năm 2021, từ các Chương trình cho vay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã phối hợp các địa phương giải ngân trên 72,4 tỷ đồng cho 2.792 lượt hộ vay vốn phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành thực hiện chính sách giáo dục cho 663 lượt học sinh, sinh viên với số tiền trên 365 triệu đồng. Hàng năm, 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Trong năm 2021, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện thẩm định danh sách, phối hợp với Bảo hiểm xã hội huyện in và cấp phát 24.985 thẻ bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng với tổng trị giá trên 20 tỷ đồng. Nhằm giúp người nghèo an cư lạc nghiệp, huyện đã hỗ trợ 750 triệu đồng giúp 17 hộ nghèo, cận nghèo xây dựng nhà ở theo Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn vận động, các cấp, ngành, đoàn thể đã thực hiện 40 căn nhà tổng trị giá trên 1,4 tỷ đồng cho hộ nghèo, cận nghèo.
Nhờ trồng màu, gia đình bà Thạch Thị Ngọc Phượng, xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần ổn định về kinh tế.
Đặc biệt, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Ban Thường vụ Huyện ủy Tiểu Cần, các ngành, các xã, thị trấn đã vận động các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân hỗ trợ về tiền mặt, nhu yếu phẩm, thăm và tặng quà cho các khu cách ly, các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn bị ảnh hưởng trị giá trên 9,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tiền điện, đất sản xuất… cũng góp phần giảm bớt khó khăn cho hộ nghèo. Qua kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021, Tiểu Cần đã giảm 150 hộ nghèo (tỷ lệ 0,51%), 175 hộ cận nghèo (tỷ lệ 0,58%). Hiện, toàn huyện còn 134 hộ nghèo (tỷ lệ 0,45%), 980 hộ cận nghèo (tỷ lệ 3,32%).
Theo ông Nguyễn Văn Diệp, thời gian tới, Đảng bộ huyện Tiểu Cần tiếp tục chủ động khắc phục khó khăn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút mạnh các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn; liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, huyện Tiểu Cần phấn đấu đạt huyện NTM nâng cao và lên thị xã trực thuộc tỉnh trước năm 2025.
Năm 2022, huyện Tiểu Cần tập trung hoàn thành một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng 12%; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ; đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân; phát triển văn hóa; quản lý tốt tài nguyên; cải thiện cảnh quan, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chỉ tiêu về kinh tế: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất: 12%; thu ngân sách nhà nước: 50 tỷ đồng; vốn đầu tư toàn xã hội: 2.000 tỷ đồng; thành lập mới 40 doanh nghiệp. Chỉ tiêu về xã hội: Tổng số lao động đang làm việc: 64.936 người; số lao động được tạo việc làm tăng thêm: 2.700 người. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: 130 người; tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động: 73,54% (trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ 35,6%); mức giảm tỷ lệ hộ nghèo: 0,23%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc Khmer (so với tổng số hộ Khmer) là 0,3%; 11/11 xã, thị trấn có nhà văn hóa, thư viện; tỷ lệ hộ sử dụng điện: 99,82%; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh: 100% (trong đó, được cung cấp nước sạch: 83,26%; phấn đấu xây dựng 02 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế: 90%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội trong độ tuổi lao động: 18% (trong đó tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện là 4,7%); số giường bệnh/01 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã): 24,3 giường; số bác sĩ/01 vạn dân: 6,21 bác sĩ; tỷ lệ trạm y tế xã, thị trấn có bác sĩ làm việc: 100%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế: 100%; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 01 tuổi: 2,6‰; tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 05 tuổi: 3,0‰; tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng (cân nặng theo tuổi): 2,6%; số xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em: 11 xã, thị trấn (trong đó tỷ lệ xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, thị trấn phù hợp với trẻ em 100%); 10/11 xã, thị trấn có trạm y tế (riêng thị trấn Tiểu Cần do Trung tâm Y tế huyện đảm nhiệm); 09/09 xã có điểm phục vụ bưu chính (bao gồm bưu cục, bưu điện văn hóa xã); tổng số học sinh đầu năm học: 20.200 học sinh (trong đó: mẫu giáo có 4.200 học sinh, tiểu học có 9.500 học sinh, THCS có 6.500 học sinh); tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học (trong đó, mẫu giáo 84%, tiểu học 99,6%, THCS 98,5%). Chỉ tiêu về quốc phòng- an ninh: 11/11 xã, thị trấn tái công nhận vững mạnh về quốc phòng; tuyển chọn gọi công nhân nhập ngũ đạt chỉ tiêu: 100% chỉ tiêu trên giao; xây dựng 11/11 xã, thị trấn An toàn về an ninh trật tự. |
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.