14/01/2020 09:34
Toàn huyện Tiểu Cần có tổng diện tích đất tự nhiên 22.723ha, trong đó: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 19.000ha (diện tích trồng lúa 12.000ha, cây ăn trái 2.085ha, cây dừa trồng tập trung 4.059ha, trồng màu 685ha). Là huyện nông nghiệp, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Bên cạnh đó, tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ trên địa bàn huyện đang phát triển theo hướng đô thị hóa, góp phần đáng kể để tăng thu nhập cho người dân. Huyện có quy hoạch 03 cụm công nghiệp (Phú Cần, Cầu Quan và Tân Hòa), đã thu hút được 01 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực giày da, góp phần giải quyết nguồn lao động tại địa phương.
Ông Võ Quang Cường, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần cho biết: “Trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, tình hình kinh tế - xã hội của huyện còn nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện, với xuất phát điểm thấp, như: Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ và xuống cấp; kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp chưa phát triển được hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả; chưa hình thành mô hình liên kết trong sản xuất; sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ và chậm phát triển, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn chỉ đạt 12,79 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 20,63% (năm 2011); cơ sở vật chất trường học chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở vật chất văn hóa chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi, sinh hoạt của người dân; trang thiết bị y tế chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người bệnh; cảnh quan môi trường chưa được quan tâm xây dựng; chất lượng đội ngũ cán bộ chưa được chuẩn hóa...”. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đã tổ chức triển khai tập trung đẩy mạnh sản xuất theo hướng nâng cao giá trị trên cây lúa và đã xây dựng được 08 cánh đồng lớn sản xuất lúa với 1.949 hộ, diện tích 1.924,5ha ở các xã: Hiếu Tử, Tân Hùng, Phú Cần. Các mô hình được các công ty bao tiêu sản phẩm lúa (có 287,85 ha, với 257 hộ tham gia sản xuất lúa ứng dụng công nghệ vi sinh, hữu cơ vi sinh theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch) và mô hình trồng dưa nhà lưới với diện tích 0,3ha trên địa bàn xã Phú Cần. Chuyển đổi 9,225ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi bò; 428,58ha đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng màu, cây ăn trái. Bên cạnh đó, Công ty Chế biến dừa Á Châu (Bến Tre) tiến hành khảo sát để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất dừa hữu cơ 212ha, với 187 hộ tham gia trên địa bàn xã Tân Hòa, bước đầu Công ty đã tiến hành thu mua thông qua hợp đồng liên kết với HTX nông nghiệp Tân Thành với sản lượng tiêu thụ 156.000 trái dừa khô.
Đến thăm cánh đồng lớn có diện tích 300ha thuộc 02 ấp Cầu Tre - Đại Trường, xã Phú Cần những ngày cuối năm, đan xen với màu vàng óng ả của trà lúa chờ thu hoạch là những bờ ruộng đầy sắc hoa (mô hình ruộng lúa bờ hoa). Ông Thạch Kiên, Trưởng Ban nhân dân ấp Cầu Tre cũng là lão nông có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện mô hình sản xuất lúa cánh đồng lớn cho biết: “Hiệu quả của mô hình cánh đồng lớn là giúp nông dân sử dụng giống xác nhận, biết cách quản lý dịch hại hiệu quả, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo phương pháp 04 đúng, giảm thiểu lượng thuốc lưu tồn trong hạt gạo... từ đó chất lượng gạo tăng lên, là tiền đề để tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa”. Hiện mô hình cánh đồng lớn của ấp thu hút 326 hộ nông dân tham gia sản xuất và hiệu quả cho thấy gia tăng năng suất và chất lượng nông sản, bán được giá cao hơn so với ngoài mô hình. Vụ lúa thu - đông 2019 gia đình ông Thạch Kiên gieo sạ với diện tích 1,5ha, sử dụng giống xác nhận OM4900, nhờ áp dụng đúng quy trình canh tác năng suất đạt 6,3 tấn/ha; được Công ty Ngọc Quang Phát (thành phố Cần Thơ) bao tiêu sản phẩm với giá 5.900 đồng/kg lúa tươi tại ruộng, trừ chi phí ông Kiên lợi nhuận trên 30 triệu đồng.
Ông Thạch Kiên, ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần kiểm tra chất lượng hạt lúa của gia đình.
Bên cạnh đó, kinh tế hợp tác cũng góp phần đưa nền nông nghiệp Tiểu Cần phát triển. Trong 11 tháng đầu năm 2019, thành lập mới 01 HTX nông nghiệp ở xã Hùng Hòa với 48 thành viên, vốn điều lệ 0,3 tỷ đồng. Nâng tổng số trên địa bàn 09 xã có 10 HTX nông nghiệp với 1.677 thành viên, vốn điều lệ 7,6 tỷ đồng và 02 HTX xây dựng, vốn điều lệ 9,75 tỷ đồng, 20 thành viên. Có 126 tổ hợp tác (THT) theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP, ngày 10/10/2007 của Chính phủ với 3.635 thành viên (114 THT trồng trọt, 12 THT chăn nuôi). Trong đó, có 27 THT hoạt động tốt, 34 THT hoạt động khá, 57 THT hoạt động trung bình, 08 THT ngưng hoạt động.
Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ chính sách chuyển đổi sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi bò cho 68 hộ trên địa bàn xã Hiếu Tử, với diện tích 9,225ha, tổng số tiền hỗ trợ 27 triệu đồng theo Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND, ngày 08/02/2016 của HĐND tỉnh. Xây dựng 04 dự án nuôi bò sinh sản, hỗ trợ cho 26 hộ trên địa bàn các xã Tân Hùng, Tập Ngãi, Ngãi Hùng, với tổng số vốn 227 triệu đồng (trong đó, nguồn vốn từ Chương trình 135 là 215 triệu đồng, nhân dân đối ứng 12 triệu đồng).
Ông Võ Quang Cường cho biết thêm, thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng nông thôn theo hướng hình thành khu vực dân cư và kết cấu hạ tầng phù hợp tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp và thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nhằm từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trong tương lai, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Đồng thời, tiếp tục phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường khâu bảo quản và chế biến hàng nông sản; hình thành các trung tâm kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản hiện đại, sàn giao dịch nông sản…
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.