20/05/2022 15:36
Ông Phạm Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Huyền Hội, huyện Càng Long cho biết, địa phương có 3.100ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, gần 620ha trồng dừa. Mới đây, Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong (tỉnh Bến Tre) đã đến khảo sát, liên kết với các nhà vườn trên địa bàn xã để xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Trước đó, Công ty này đã có vùng nguyên liệu dừa hữu cơ trên 520ha ở xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành và hiện đang tiếp tục mở rộng thêm nhiều vùng nguyên liệu tại Càng Long và Châu Thành.
Vườn dừa 3.200m2 của gia đình ông Trần Hữu Trí, xã Huyền Hội, huyện Càng Long đủ điều kiện sản xuất theo hướng hữu cơ.
Nhà vườn có diện tích trồng dừa tối thiểu 2.000m2 đồng ý tham gia liên kết với Công ty sẽ được tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất theo hướng hữu cơ. Sau khoảng 8 tháng sản xuất hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ, không sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, công ty sẽ hỗ trợ 100% chi phí và thủ tục để nhà vườn được cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ đạt chuẩn quốc tế. Dừa đạt chuẩn này đảm bảo được công ty mua với giá cao hơn giá thị trường từ 05-10%.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 27/12/2017, Tỉnh ủy Trà Vinh xác định cây dừa là cây trồng chủ lực của tỉnh. Vì vậy tỉnh tập trung nhiều giải pháp để nâng cao chuỗi giá trị cây dừa và tăng thu nhập cho nông dân trên cùng một diện tích sản xuất.
Hiện, tỉnh đang kêu gọi doanh nghiệp xây dựng, mở rộng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn EU (châu Âu) và USDA (Mỹ) để phục vụ chế biến sâu các sản phẩm giá trị gia tăng; đồng thời kêu gọi doanh nghiệp xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến các sản phẩm dừa trên địa bàn tỉnh, để nâng giá trị gia tăng sản phẩm từ dừa.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang trình UBND tỉnh phê duyệt Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022 - 2025; trong đó, xác định 03 nhiệm vụ chiến lược, gồm thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo liên kết để phát triển bền vững các chuỗi sản phẩm dừa trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dừa tỉnh Trà Vinh; phát triển vùng nguyên liệu dừa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ gắn với các nhà máy chế biến của các doanh nghiệp và các thị trường mục tiêu.
Mới đây, UBND tỉnh và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre đã ký bản ghi nhớ đầu tư Nhà máy sơ chế, chế biến các sản phẩm từ dừa tại huyện Tiểu Cần.
Toàn tỉnh có gần 90.000 hộ trồng dừa, với hơn 07 triệu cây trên tổng diện tích gần 25.000ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành. Diện tích trồng dừa của Trà Vinh đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre, với sản lượng đạt khoảng 300 triệu quả/năm. Tỉnh hiện có 13 vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đã được 4 doanh nghiệp xây dựng, với tổng diện tích 4.012ha đạt tiêu chuẩn EU và USDA; trong đó, 260 ha đạt 6 tiêu chuẩn châu Âu - EU, Mỹ - USDA, Nhật - JAS, Australia - ACO, Thụy Điển - KRAV và GlobalGAP.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) có gần 3.000ha dừa đạt chứng nhận EU, USDA với 8 vùng nguyên liệu tại huyện Càng Long và Tiểu Cần; trong đó, huyện Càng Long có 350ha tại xã Đại Phúc, 260ha tại xã Đại Phước, 190ha tại xã Đức Mỹ, 600ha tại xã Mỹ Cẩm; huyện Tiểu Cần có 217ha tại xã Ngãi Hùng, 440ha tại xã Hùng Hòa, 459ha tại xã Tân Hùng và 433ha tại xã Tập Ngãi.
Công ty Cổ phần Chế biến dừa Á Châu (Bến Tre) có vùng nguyên liệu dừa hữu cơ hơn 220ha tại xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần. Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong (Bến Tre) có vùng nguyên liệu dừa hữu cơ 523ha tại xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành. Công ty cổ phần Trà Bắc có vùng nguyên liệu dừa hữu cơ hơn 310ha tại xã Tân Hùng, Ngãi Hùng, Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần.
Cũng theo ông Lê Văn Đông, đối với vùng nguyên liệu dừa sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn EU, USDA, nông dân cần tuyệt đối tuân thủ theo quy trình kỹ thuật đã được doanh nghiệp hướng dẫn. Bởi, giấy chứng nhận này chỉ có giá trị trong vòng 01 năm; hàng năm đều phải đánh giá lại để tái chứng nhận. Trường hợp vườn dừa không đạt chuẩn sẽ bị loại ra khỏi vùng nguyên liệu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nông dân cần tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã để hình thành vùng nguyên liệu tập trung, giúp việc hỗ trợ kỹ thuật và thu mua của doanh nghiệp thuận lợi.
Bài, ảnh: THANH HÒA
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.