14/12/2020 14:49
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, nên từ nhỏ chị Thơ đã quen với nghề nông và ước mơ phát triển kinh tế từ nông nghiệp đã ấp ủ trong chị. Tìm hiểu thông tin về các mô hình kinh tế từ bạn bè, truyền thông chị biết đến nghề trồng lan Mokara. Tháng 02/2020, chị Thơ mạnh dạn đầu tư hệ thống vườn lan Mokara cắt cành trên diện tích 500m2 với 2.500 cây giống. Theo chị Thơ, đây là mô hình nông nghiệp đô thị thích hợp với người dân có quỹ đất ít để phát triển kinh tế. Đặc biệt, Mokara là giống hoa lan đa dạng màu sắc và được thị trường ưa chuộng, thích hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng tại địa phương.
Để canh tác giống hoa lan Mokara, chị Thơ áp dụng kỹ thuật trồng lan nhà lưới chịu được giông gió, thông thoáng, có ánh sáng để lan phát triển nhanh. Về kỹ thuật trồng lan theo luống, các luống trong nhà lưới được bố trí tùy theo khu đất trồng, luống hình mô rùa. Khoảng cách lối đi giữa các luống rộng 0,5m. Lan Mokara chịu ẩm nhưng không chịu nước nên phải để ý việc thoát nước. Trong mỗi luống có lắp các trụ đỡ, luống được rải võ đậu phộng dày 10 - 15cm để tạo chất dinh dưỡng cho cây. Hệ thống tưới phun sương được điều khiển tự động với tầng suất 02 lần/ngày.
Theo chị Thơ, lan Mokara có thể trồng quanh năm nhưng tránh trồng vào thời điểm mưa nhiều dễ bị thối đọt. Khi trồng đảm bảo cho rễ cây lan vừa chạm mặt vỏ đậu phộng. Với diện tích 500m2 trồng lan Mokara, chị ước tính năng suất đạt từ 8 - 12 cành hoa/cây/năm. 01 cây lan có thể khai thác từ 07 10 năm và sau 03 năm từ một cây giống có thể cho ra 03 cây con.
Hiện tại, vườn lan của chị Thơ cung cấp hoa mỗi tháng cho các shop hoa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; các cơ sở thu mua hoa lan ở các tỉnh Bến Tre, Tây Ninh (doanh nghiệp tư nhân Thanh lá Nghệ thuật - tỉnh Bến Tre và cơ sở thu mua hoa lan cắt cành Trung Vân - tỉnh Tây Ninh). Bình quân mỗi tháng vườn lan của chị Thơ cung cấp cho thị trường 900 nhánh lan Mokara đủ màu sắc, mỗi cành có giá bán từ 4.000-6.000 đồng, lợi nhuận thu về trên 05 triệu đồng.
Chị Thơ cho biết thêm, để phòng trừ sâu bệnh, khi đầu tư vườn lan chị chú trọng thiết kế các luống trồng thông thoáng, tránh tưới nước quá ẩm vào chiều tối. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh xung quanh vườn lan để hạn chế côn trùng, sâu bọ. Kiểm tra vườn mỗi ngày để kịp thời cắt bỏ những bông lan nhỏ (ra đợt đầu) hoặc cây bị còi cọc nhằm tập trung dinh dưỡng nuôi cây. Bệnh hại thường gặp trên lan như: bệnh thối nhũng, bệnh khô đầu lá, bệnh đốm hoa lan, bệnh tuột lá chân thì phòng trừ, xử lý ngay và cắt bỏ vết bệnh. Khi sử dụng thuốc phải ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để phòng trị.
Bà Nguyễn Thị Tố Như, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tập Ngãi nhận xét về mô hình kinh tế của chị Thơ: mô hình trồng lan Mokara cắt cành của chị Thơ tuy mới đối với nông dân vùng nông thôn, nhưng vẫn có thể học tập. Đặc biệt, đối với những chị em có diện tích đất ít, ngoài mang lại giá trị kinh tế cho gia đình, mô hình đã góp phần tạo hướng đi mới cho nông nghiệp nông thôn. Không chỉ tạo cảnh quan môi trường đẹp, vườn lan còn giúp thư giản đầu óc sau một ngày làm việc mệt nhọc.
HỒNG NHUNG
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.