18/01/2021 07:32
Sau khi tốt nghiệp ngành Trung cấp Dược ở Trường Đại học Trà Vinh, anh Lê Thanh Phong mở quầy bán thuốc Tây ở xã Hiếu Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long nhưng do hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, cha mẹ già yếu nên anh không tiếp tục nghề chăm sóc sức khỏe mà trở về lập nghiệp trên chính mảnh đất của gia đình. Cách đây khoảng 03 năm, nhận thấy không thể phát triển kinh tế với nghề trồng lúa, anh Phong đã mạnh dạn đầu tư san lấp 0,5ha đất lúa lên vườn trồng trên 300 gốc bưởi da xanh với mật độ 65 cây/1.000m². Sau hơn 03 năm chăm sóc, vườn bưởi đã cho thu hoạch đợt đầu, với giá bán dao động từ 25.000-35.000 đồng/kg anh Phong thu về gần 20 triệu đồng. Để cây bưởi phát triển tốt anh thường xuyên học hỏi kinh nghiệm qua sách báo và những mô hình trồng bưởi trong huyện, đặc biệt tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng cây có múi do địa phương tổ chức.
Chia sẻ về bí quyết trồng bưởi da xanh, anh Phong cho biết: để trồng bưởi da xanh ngon, trước hết người trồng phải chọn mua được loại cây giống chất lượng ở các trại cây giống có uy tín. Hàng năm, sau khi thu hoạch trái, cần chăm bón cho cây bằng phân chuồng hoai mục, tưới nước giữ ẩm và cắt, tỉa cành cho cây... theo chu kỳ hàng năm bón phân 04 lần, từ lúc ra trái đến khi thu hoạch phải thường xuyên kiểm tra cây, trái để sớm phát hiện ra sâu bệnh và xử lý, đồng thời bổ sung thêm phân bón cho những cây yếu.
Tận dụng những khoảng trống giữa các cây bưởi anh trồng xen các loại cây ngắn ngày, như ớt chỉ thiên, ớt sừng vàng, bầu, bí, dưa gang… với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/năm. Theo anh Phong, để đạt hiệu quả trong trồng trọt, nhất là trồng màu, nông dân nên trồng xen vụ các loại cây để cải tạo đất, phòng trừ sâu bệnh… Để có nông sản phục vụ người tiêu dùng và không bị cảnh ùn ứ nông sản, anh Phong không xuống giống cùng lúc mà chia thời gian để xuống giống. Hiện tại, ngoài cung cấp bưởi trái, ớt cho thị trường anh còn trồng thêm 500 dây khổ qua dự tính sẽ cho thu hoạch đúng dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 này.
Ngoài mô hình trồng trọt, anh Lê Thanh Phong còn thực hiện hiệu quả mô hình nuôi bò sinh sản. Năm 2019, được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Càng Long hỗ trợ vay 25 triệu đồng từ nguồn Quỹ Lập thân lập nghiệp của Đoàn Thanh niên anh Phong mua 02 bò nghé và đến nay gia đình anh có 03 bò sinh sản, trị giá trên 60 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Xã Đoàn An Trường A cho biết: thời gian qua phong trào “Thanh niên làm kinh tế giỏi giúp nhau lập thân lập nghiệp” tại địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, ngày càng có nhiều thanh niên năng động, dám nghĩ, dám làm, biết vươn lên tự làm giàu, lập nghiệp cho bản thân và còn giúp đỡ các thanh niên khác cùng nhau phát triển kinh tế. Và mô hình kinh tế tổng hợp của anh Lê Thanh Phong là một điển hình tiêu biểu trong phong trào thanh niên nông thôn lập thân, lập nghiệp.
HỒNG NHUNG
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.