09/06/2021 16:40
Thi công nạo vét tuyến kênh nội đồng (cặp Tỉnh lộ 915), dài gần 06km ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, phục vụ cho hơn 100ha vườn cây ăn trái.
Trong lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp, năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trà Vinh tập trung triển khai thực hiện 21 dự án (17 dự án chuyển tiếp và 04 dự án khởi công mới), gồm: 02 công trình phục vụ nuôi thủy sản, 09 công trình đê kè, 10 công trình dân dụng, tổng vốn trên 732 tỷ đồng. Về công tác thủy lợi, các địa phương tổ chức nạo vét 455 công trình kênh nội đồng, dài 335,58km (giai đoạn 2015 - 2020, các địa phương tổ chức đào đắp, nạo vét 3.001 công trình thủy lợi nội đồng, dài 1.761km, khối lượng trên 06 triệu mét khối). Riêng trong 06 tháng đầu năm 2021, các địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai 631 công trình thủy lợi nội đồng (đạt 92,7% kế hoạch năm), dài 449km, khối lượng đào đắp 1.237.809m3.
Nhờ nâng cấp, khai thác hiệu quả từ các công trình mà nhiều địa phương đã hạn chế thấp nhất tình trạng thiếu nước, khô hạn trong sản xuất ở đầu vụ lúa đông - xuân 2020 - 2021; nhất là các diện tích đất sản xuất nằm sâu trong nội đồng. Cải thiện và nâng cao hiệu quả các công trình điều tiết và tích ngọt phục vụ sản xuất đã ứng phó hiệu quả trước BĐKH ngày càng đang diễn biến phức tạp.
Theo ông Phạm Văn Kha, Phó Trưởng phòng Phòng NN-PTNT huyện Cầu Kè, năm 2020 là năm đầu tiên vận hành hệ thống cống Bông Bót và Tân Dinh, nhằm ngăn mặn từ phía biển lấn lên phía Sông Hậu cũng như thực hiện trữ ngọt cho các kênh trục và kênh cấp I, cung cấp nguồn nước vào nội đồng, điều tiết nguồn nước về các huyện vùng ven biển khá hiệu quả. Đối với địa bàn huyện, vụ mùa khô năm 2020 - 2021 không xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt và mặn vào kênh trục như những năm trước đây. Nhìn chung, các diện tích sản xuất nông nghiệp (vườn cây ăn trái, lúa, màu…) ít bị tác động do thiếu nước và mặn đe dọa trong vùng nội đồng.
Được biết, năm 2021, Cầu Kè tập trung triển khai nạo vét 34 tuyến kênh thủy lợi nội đồng, dài 45,96km; đến nay, hệ thống thủy lợi và công tác trữ ngọt tại các kênh trục, kênh cấp I, cấp II ở Cầu Kè đảm bảo tưới tiêu trên 95% diện tích sản xuất. Hiệu quả mang lại trong vụ lúa đông - xuân 2020-2021 ở Cầu Kè, với diện tích xuống giống 7.436ha (đạt 91,79% kế hoạch), năng suất bình quân đạt 6,621 tấn/ha, tăng 2,016 tấn/ha so với cùng kỳ; sản lượng lúa tăng 13.538 tấn so với cùng kỳ. Đối với huyện Trà Cú, thường chịu tác động của nước mặn và thiếu nước trong sản xuất (vụ đông - xuân và đầu vụ hè - thu).
Những năm qua, công tác thủy lợi nội đồng luôn được địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm, đây là một trong những giải pháp ứng phó với tình hình BĐKH. Kết quả trong vụ lúa đông - xuân 2020 - 2021, Trà Cú xuống giống 12.280ha (vượt kế hoạch 4.570,93ha), năng suất bình quân 6,013 tấn/ha; không có diện tích thiệt hại do khô hạn, thiếu nước sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thạch Sô Phanh, Phó Trưởng phòng Phòng NN-PTNT huyện Trà Cú cho biết: do điều kiện địa lý đối với các vùng sản xuất ở Trà Cú là nằm cuối nguồn, khi vào mùa khô hạn, việc trữ ngọt là giải pháp then chốt để giúp sản xuất nông nghiệp (lúa, màu...) ứng phó với BĐKH. Từ đó, công tác thủy lợi được địa phương tập trung triển khai với sự tham gia đối ứng của người dân về mặt bằng; Nhà nước hỗ trợ kinh phí thuê cơ giới nạo vét.
Trong 06 tháng đầu năm 2021, đã thực hiện 155 công trình, dài 96,064km, (vượt kế hoạch 6,57%). Qua đó, đảm bảo diện tích sản xuất được tưới tiêu 2.853ha và người dân hiến 107.395m2 đất nông nghiệp; tổng kinh phí thực hiện nạo vét 10,6 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn phối hợp cùng các địa phương thực hiện khai thông dòng chảy và trục vớt lục bình tại 78 tuyến kênh cấp I, II, dài 144km.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.