27/10/2020 17:32
Để giảm thiểu các rủi ro do mưa bão, triều cường; ngay từ tháng 6, tháng 7 âm lịch, bên cạnh hỗ trợ từ các nguồn vốn từ ngân sách triển khai thi công các công trình đê bao trọng điểm, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đã vận động các nhà vườn trong huyện cùng thực hiện gia cố các tuyến đê bao cục bộ bảo vệ vườn cây ăn trái…
Đoạn đê bao vừa được các nhà vườn hùn tiền thuê cơ giới thi công.
Ghi nhận tại tuyến đê bao ven Sông Hậu thuộc khu vực ấp An Bình, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè; trong mùa mưa bão năm 2020, tại đây có 01 đoạn đê bao (dài khoảng 250m) bị sạt lở nghiêm trọng, có khả năng đe dọa đến hơn 350ha vườn cây ăn trái của khoảng 200 hộ nếu triều cường dâng cao.
Một tín hiệu vui cho các nhà vườn ở huyện Cầu Kè là UBND tỉnh Trà Vinh vừa có chủ trương đầu tư Dự án đường ven Sông Hậu, nhằm mục đích ngăn lũ, lưu thông nước từ Sông Hậu vào khu vực sản xuất. Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư huyện Cầu Kè cho biết: quy mô dự án có tổng chiều dài 17.541m (điểm đầu tư Vàm Cầu Quan, điểm cuối Vàm Bến Cát), đi qua 03 xã Ninh Thới (dài 9,160km), xã Hòa Tân (dài 6,431km), xã An Phú Tân (dài 1,950km); mặt đường rộng 3,5m, chiều rộng nền đường 5,5m; cùng với 03 cầu bê-tông. Tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng, thời gian triển khai thực hiện 2021-2024. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Hoàng Hiêm, Trưởng Ban nhân dân ấp An Bình cho biết: ấp có khoảng 60% diện tích vườn cây ăn trái nằm ven tuyến Sông Hậu, vì vậy nhà vườn ở đây luôn liên kết trong bảo vệ, gia cố đê bao khi vào mùa mưa bão. Vì, nếu 01 đoạn đê bao bị vỡ là ảnh hưởng đến hàng trăm héc-ta vườn cây ăn trái; tháng 8 vừa qua, đã có 05 hộ dân sinh sống ven Sông Hậu tự đầu tư gần 50 triệu đồng để thuê cơ giới đắp mới 01 đoạn đê bao dài 260m; đã góp phần bảo vệ cho khoảng 70ha vườn cây ăn trái của 45 hộ.
Bà Lê Thị Thu Sương ngụ ấp An Bình, xã Hòa Tân chia sẻ: mỗi khi vào mùa mưa bão, gia đình tôi cũng như các hộ sinh sống ven Sông Hậu, ban đêm phải thường xuyên đi kiểm tra dọc tuyến đê bao phía trước nhà mình, để kịp thời phát hiện các sự cố có liên quan đến sạt lở để thông báo cho chính quyền địa phương và các hộ phía trong, nhằm xử lý kịp thời. Từ năm 2017, ngay phía trước nhà (nằm ven Sông Hậu) có tuyến đê bao đi qua khu vườn của gia đình (dài khoảng 50m) đã sạt lở nghiêm trọng và lấn sâu vào phần diện tích vườn (0,8ha); gia đình đã đầu tư hơn 10 triệu đồng và cùng với 04 hộ khác có diện tích vườn nằm cặp tuyến đê bao trên hùn tiền lại thuê cơ giới làm mới lại 01 đoạn đê bao. Mùa mưa bão này, gia đình yên tâm hơn và khả năng của đoạn đê bao này có thể “cầm cự” khoảng 02-03 năm nữa.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè, trong mùa mưa bão năm 2020, các địa phương đã vận động người dân tham gia hỗ trợ cùng địa phương tiến hành gia cố các tuyến đê bao. Qua khảo sát thực tế trên địa bàn, hiện còn 14 điểm có sạt lở ở mức độ nguy hiểm, có khả năng ảnh hưởng đến gần 800ha đất vườn cây ăn trái của 892 hộ ở khu vực ấp Xẻo Cạn, Rạch Đùi, Vàm Đình (xã Ninh Thới), ấp An Bình (xã Hòa Tân), ấp Dinh An (xã An Phú Tân).
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.