15/01/2022 17:08
Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp đề xuất hỗ trợ 100% kinh phí cho nhà vườn, tổ hợp tác… trong xây dựng mã số, mã vùng cho các sản phẩm trái cây mà doanh nghiệp hướng đến liên kết. Đây là hướng đi mới nhằm tạo điều kiện cho ND an tâm sản xuất, không còn phải “được mùa, rớt giá”- điệp khúc lâu nay trong sản xuất…
Với sản lượng hơn 10.000 tấn thanh long/năm, khi vào chính vụ giá thanh long giảm mạnh chỉ còn 8.000-10.000 đồng/kg (loại I) và đa số người trồng tự tìm đầu ra (ND vận chuyển thanh long ra điểm thu mua tại xã Phương Thạnh, huyện Càng Long).
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có 18.260ha diện tích vườn cây ăn trái (chiếm 43,76% diện tích cây lâu năm); sản lượng đạt hơn 284.500 tấn/năm. Sản lượng và chất lượng các loại cây ăn quả chủ lực, có lợi thế đều tăng, như sản lượng: cam 66.400 tấn; thanh long 10.700 tấn; bưởi 14.900 tấn; chuối 90.200 tấn... Hiện tất cả sản phẩm trái cây chưa có liên kết trong hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa DN với nhà vườn.
Qua ghi nhận thực tế từ các cơ sở Hội ND cũng như chính những nhà vườn đã trực tiếp trong sản xuất trái cây trên địa bàn tỉnh, cho thấy ND đang kỳ vọng dự án liên kết trên sớm được các sở, ngành tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho DN sớm bắt tay triển khai các yêu cầu của dự án liên kết, cũng như xây dựng vùng nguyên liệu bao tiêu sản phẩm kết hợp cơ sở thu mua, chế biến và bảo quản nông sản (trái cây) vào vận hành.
Ông Trương Thanh Đệ, Chủ tịch Hội ND huyện Cầu Kè cho biết: đối với địa phương có thế mạnh về cây ăn trái (diện tích hơn 8.000ha vườn cây ăn trái), đa số sản lượng trái cây khi vào vụ thu hoạch, nông dân tự tìm đầu ra với các thương lái, chưa có hợp đồng liên kết trong tiêu thụ lâu dài… nên giá bán luôn bị thị trường chi phối. Vì vậy, về phía Hội ND huyện rất đồng tình với Công ty Green Powers trong kết nối tạo vùng nguyên liệu để xuất khẩu các mặt hàng mà phía doanh nghiệp đang hướng đến như bưởi da xanh, bưởi năm roi, xoài cát chu, dừa xiêm và nhãn… đây cũng là thế mạnh của nhà vườn Cầu Kè.
Cũng theo ông Trương Thanh Đệ, để đưa sản phẩm trái cây xuất khẩu, đòi hỏi phải tạo mã vùng nguyên liệu sản phẩm (mã vạch sản phẩm). Đây là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng để các nhà vườn có điều kiện tiêu thụ nông sản ổn định hơn, kể cả hiện tại và lâu dài (mã vạch sản phẩm như giấy căn cước công dân - được nhiều người biết đến và chấp nhận). Thiết nghĩ cần có sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, khẳng định tính cần thiết phải tạo mã vùng sản xuất, làm thay đổi tư duy tiêu thụ trước mắt của người dân như hiện nay.
Ông Châu Nguyễn Anh Khoa, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Green Powers, cho biết: hiện Công ty đã có nhà máy sơ chế, đóng gói, xuất khẩu mặt hàng nông sản đặt tại tỉnh Bến Tre (hoạt động năm 2018). Đến nay, đã liên kết xây dựng được vùng nguyên liệu 1.200ha với các loại trái cây đã liên kết (bưởi da xanh, bưởi năm roi, nhãn, xoài cát chu, dừa xiêm, chôm chôm…); thị trường tiêu thụ của công ty đã xuất được qua các nước khối EU, Anh, Mỹ, Canada, Úc, Hà Lan… Công ty đã đầu tư hệ thống dây chuyền khép kín: hệ thống rửa, xử lý trái cây; đặc biệt là trái cây có múi (bưởi da xanh, bưởi năm roi…) vẫn giữ được chất lượng sản phẩm như mới thu hoạch duy trì trong 06 tháng.
Thông tin từ Công ty Green Powers, trước mắt các địa phương sẽ phối hợp liên kết với diện tích từ 07-12ha, sau đó sẽ nâng dần diện tích lên. Chia sẻ cùng với chúng tôi, nhà vườn Võ Văn Thuận (xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành) cho biết: gia đình sản xuất 0,4ha bưởi da xanh, hàng năm sản phẩm trái cây của gia đình cũng như các hộ nhà vườn khác đều tự tìm nguồn tiêu thụ, giá bán thì không ổn định. Hiện nay, với sản lượng khoảng 07 tấn trái/năm, giá bán thường dao động 25.000 - 30.000 đồng/kg, nhiều khi giá giảm chỉ còn 15.000 đồng/kg bưởi.
Nếu Công ty Green Powers liên kết với ND và có sự hỗ trợ như chứng nhận mã vùng; hướng dẫn người dân ghi chép vật tư đầu vào, quy trình sử dụng phân thuốc đến việc lập hồ sơ chứng nhận mã vùng trồng… được Công ty hỗ trợ sẽ giúp ND nâng cao chất lượng hàng hóa sản phẩm thông qua đó giúp cho nhà vườn từng bước nâng cao kỹ thuật canh tác và chất lượng sản phẩm (sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu khi áp dụng quy trình canh tác theo hướng dẫn). Từ đó giá sản phẩm sẽ cao, lợi nhuận sẽ gia tăng trên đơn vị canh tác khi sản phẩm (trái cây) được chứng nhận đạt tiêu chuẩn.
Cũng theo ông Châu Nguyễn Anh Khoa, phía doanh nghiệp cũng đang xúc tiến (thông qua Hội ND tỉnh và các huyện Hội…) để liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản của ND tỉnh, xây dựng Dự án về cơ sở thu gom- sơ chế- chế biến và xuất khẩu nông sản tại tỉnh. Trong liên kết tiêu thụ nông sản với địa phương: trước đây ND phải qua nhiều công đoạn mới đưa được sản phẩm đến với doanh nghiệp chế biến; từ đó làm giảm chi phí lợi nhuận cho ND.
Từ thực trạng trên, Công ty Green Powers sẽ hướng đến giải pháp xây dựng liên kết trực tiếp nông dân- công ty. Phía doanh nghiệp sẽ tự bỏ chi phí để thực hiện xây dựng mã số, mã vùng cho một số nông sản của tỉnh, do hiện ND không thể tự thực hiện đơn lẻ một mình được, rất khó khăn và vướng mắc. Các ban, ngành cần phối hợp với Công ty để triển khai các công việc đồng bộ để doanh nghiệp-ND sớm triển khai chuỗi liên kết tiêu thụ trái cây cho nhà vườn.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.