13/01/2022 05:51
PGS.TS Lâm Thái Hùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Trà Vinh chia sẻ: trong triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ngành KH-CN luôn bám sát với thực tiễn trong nghiên cứu, ứng dụng với các đề tài, dự án vào đời sống xã hội của người dân trên địa bàn. Đặc biệt, tại các vùng có nguy cơ cao như ven biển, ven cửa sông lớn; vùng thường xuyên thiếu nước ngọt trong canh tác… do ảnh hưởng của BĐKH tác động.
Sử dụng màng phủ nông nghiệp trong sản xuất được nhiều nông dân vùng ven biển ứng dụng để tiết kiệm nước tưới trước tình hình khô hạn, biến đổi khí hậu…
Với đặc điểm là tỉnh thuộc miền duyên hải đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa Sông Tiền, Sông Hậu, có trên 65km bờ biển. Trong bối cảnh BĐKH diễn ra nhanh, ngày càng cực đoan, đã tác động không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân trên địa bàn. Qua đó, đòi hỏi cần chủ động, thích ứng BĐKH, an toàn trước thiên tai là một trong những nhiệm vụ được các cấp, các ngành và địa phương đặc biệt quan tâm.
Để đạt mục tiêu mà ngành nông nghiệp tỉnh đặt ra đến năm 2025: tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất toàn ngành giai đoạn 2021 - 2025 là 02%/năm. Trong đó, nông nghiệp tăng 0,97%/năm, lâm nghiệp tăng 0,93%/năm, thủy sản tăng 3,8%/năm. Tổng sản lượng cây hàng năm 2,68 triệu tấn (lúa 1,23 triệu tấn, hoa màu 1,45 triệu tấn); sản lượng cây lâu năm 601.300 tấn (cây ăn quả 300.000 tấn, dừa 301.300 tấn); sản lượng thịt hơi các loại 85.000 tấn; tổng sản lượng thủy sản 265.130 tấn (thủy sản nuôi 169 tấn, khai thác 96.100 tấn)…
Các đề tài, dự án đã và đang triển khai tập trung về xử lý chất thải, môi trường; công nghệ xanh trong ứng phó với BĐKH; nâng cao năng lực trong dự báo, cảnh báo thiên tai, thời tiết cực đoan; chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với BĐKH. Bảo vệ, phục hồi và phát triển diện tích rừng, nâng cao độ che phủ rừng. Sử dụng nguồn nước khoa học, tiết kiệm và hợp lý; đáp ứng nhu cầu nước ngọt cho hoạt động sản xuất và dân sinh.…
Qua đó, đòi hỏi nghiên cứu KH-CN trong việc hướng đến phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt là tiến tới sống chung, thích nghi với BĐKH và nước biển dâng. Từng bước chuyển đổi mô hình phát triển đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học…
Tỉnh đang triển khai thực hiện “Xây dựng quy trình xử lý nước và chất thải từ ao nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao bằng phương pháp sinh học tại tỉnh Trà Vinh” do Viện Nhiệt đới Môi trường chủ trì. “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ giảm sóng thân thiện với môi trường phục vụ phòng, chống sạt lở, bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh” do Viện Kỹ thuật Biển chủ trì; qua đó, đã cung cấp luận cứ khoa học giúp các sở, ngành và chính quyền địa phương có định hướng thích hợp trong quy hoạch phát triển công nghiệp dịch vụ an ninh quốc phòng trên địa bàn thị xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành… Từ đó, giúp hạn chế tác hại của xâm nhập mặn và nước biển dâng nhằm phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ven biển. “Xây dựng bản đồ (Atlas) hiện trạng và dự báo thủy động lực vùng biển và bờ biển (từ 0-30m nước) tỉnh đến năm 2050” (Viện Kỹ thuật Biển chủ trì thực hiện); “Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của BĐKH đến các công trình, hoạt động quân sự trên địa bàn tỉnh và xây dựng kế hoạch hành động nhằm ứng phó, giảm thiểu”. Đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu, lập bản đồ khí tượng thủy văn và cấp độ rủi ro thiên tai khí tượng thủy văn tỉnh”. Trong lĩnh vực thủy sản, “Xây dựng quy trình sản xuất giống cua biển (Scylla paramamosain) tại Trà Vinh”; “Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi vỗ thành thục và hoàn thiện kỹ thuật sản xuất giống tôm đất (Metapenaeus ensis De Haan 1844) từ nguồn bố mẹ tự nhiên trong các ao/đầm/ruộng tại Trà Vinh”. Về trồng trọt, “Tuyển chọn và xây dựng quy trình canh tác một số giống tre, trúc, tầm vông làm nguyên liệu phục vụ sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh”. Trong chăn nuôi, “Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nuôi dê lai (Boer x Bách Thảo) tại tỉnh”…
|
Cũng theo PGS.TS Lâm Thái Hùng, thông qua các đề tài, dự án sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, ưu tiên cho thích ứng với BĐKH và tận dụng các cơ hội để phát triển kinh tế các-bon thấp, kinh tế xanh, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Hình thành các tiểu vùng sinh thái làm định hướng phát triển kinh tế, nông nghiệp và kết cấu hạ tầng (vùng ngọt, vùng ngọt hóa, vùng mặn và vùng cù lao). Xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng có trọng tâm, trọng điểm (thủy sản - cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái), trong đó thủy sản (nước ngọt, nước lợ, nước mặn) là sản phẩm chủ lực; cơ cấu kinh tế nông nghiệp hợp lý, bảo đảm gắn kết chuỗi sản phẩm hàng hóa, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện cả về nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào nông nghiệp, nông thôn để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản trong tỉnh.
Trong này, vai trò của Sở KH-CN đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ tiên tiến, công nghệ cao như: công nghệ sinh học, công nghệ chế tạo thiết bị, tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ thân thiện với môi trường trong các ngành, lĩnh vực; tăng cường kiểm soát hoạt động chuyển giao công nghệ, phấn đấu có trên 80% trở lên các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, quản lý Nhà nước và cải cách hành chính. Phát triển một số công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ liên ngành phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu chọn lọc, thích nghi, nhân giống (cây ăn quả, rau, hoa - cây cảnh, giống thủy sản, gia súc, gia cầm...) có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, phù hợp theo từng vùng sinh thái của tỉnh, thích ứng với BĐKH.
Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Thực hiện chính sách đổi mới công nghệ nhằm từng bước tạo sản phẩm chủ lực, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu; tăng cường công tác thẩm định, giám định công nghệ, không để công nghệ lạc hậu triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh gây ô nhiễm môi trường.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.