14/01/2020 10:07
Ông Ngô Thanh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè thông tin với chúng tôi: Hàng năm, trên địa bàn huyện thường chịu tác động của triều cường (do nằm ven tuyến Sông Hậu), gây ngập úng cho các xã Tam Ngãi, An Phú Tân, Thông Hòa… Riêng năm 2016 khi nước biển từ khu vực vàm Cầu Quan lấn sâu theo tuyến Sông Hậu vào nội đồng, đã gây thiệt hại nhiều diện tích vườn cây ăn trái và đất trồng lúa của huyện.
Nay 02 công trình cống Bông Bót và Tân Dinh sắp hoàn thành (dự kiến vượt tiến độ 05 tháng và đưa vào vận hành trong quý I/2020) sẽ chủ động ngăn mặn từ hướng Sông Hậu vào. Đối với cống Bông Bót theo ngã nhánh 1 vào sông Cầu Kè, để hòa vào hệ thống kênh Tổng Tồn, kênh Cá Lóc, kênh Bang Chang (phục vụ 100% diện tích đất canh tác của huyện), đây cũng là nguồn nước kết nối vào kênh Trà Ngoa; nhánh 2 vào rạch Tam Ngãi, để vào kênh Trà Ngoa, phục vụ cho các huyện Càng Long, Châu Thành và Tiểu Cần. Riêng cống Tân Dinh sẽ đưa nước vào tuyến kênh Bưng Lớn, La Rì (xã Tam Ngãi) có tác động điều tiết nguồn nước không lớn. Cùng với đó, việc hoàn thành, đưa vào sử dụng kênh Mây Phốp - Ngã Hậu góp phần khép kín hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít, từ đó tỉnh sẽ chủ động tiếp ngọt, ngăn mặn trong mùa khô phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Cống Bông Bót (huyện Cầu Kè) có thiết kế lộ thiên (cửa van clape trục dưới đóng mở bằng xi-lanh thủy lực) đang trong giai đoạn hoàn thành phần cầu.
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trước tình hình BĐKH ngày càng bất lợi cho sản xuất, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai thực hiện các giải pháp thích nghi với BĐKH, cụ thể: Giải pháp phi công trình, hàng năm tổ chức tập huấn cho trên 12.000 lượt nông dân để hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất an toàn, thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) và hữu cơ; phân công cán bộ kỹ thuật tư vấn trực tiếp cho trên 10.000 lượt hộ; xây dựng trên 30 điểm mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới thích ứng với BĐKH mang lại hiệu quả kinh tế cao (Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao ứng dụng công nghệ 4.0; nuôi tôm sú kết hợp cá rô phi; trồng rau nhà lưới sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm thích ứng BĐKH; trồng đậu phộng sử dụng phân bón thông minh…); tổ chức khảo sát, đánh giá các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH có hiệu quả để khuyến cáo người dân nhân rộng vào sản xuất.
Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hợp lý cho từng vùng sản xuất: Vùng sản xuất 02 vụ lúa tập trung ở các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành, Duyên Hải và thành phố Trà Vinh; vùng sản xuất 03 vụ lúa tập trung ở các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, một phần của huyện Châu Thành và Trà Cú; chọn giống lúa chịu hạn, mặn để bố trí sản xuất; giảm diện tích sản xuất lúa vụ đông - xuân, tăng diện tích lúa vụ thu - đông; điều chỉnh lịch thời vụ xuống giống lúa hè - thu trước khoảng 30 ngày so với trước đây để né hạn, mặn; khuyến cáo nông dân chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đối với các loại cây trồng còn lại (màu, cây công nghiệp hàng năm và các loại cây lâu năm) thay đổi hình thức sản xuất, kỹ thuật canh tác và cơ cấu giống sử dụng thích nghi dần với BĐKH, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Thực hiện tốt giải pháp sử dụng nước tưới tiết kiệm (SRI, ngập khô xen kẽ trong sản xuất lúa; tưới phun, tưới nhỏ giọt, trong trồng màu và cây ăn trái). Trong đó, diện tích ứng dụng khoa học công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt khoảng 11.900ha (chiếm khoảng 11,65% diện tích canh tác cây trồng cạn). Từ năm 2014 đến nay, đã chuyển hơn 18.500ha; hiệu quả tăng hơn 1,5-03 lần so với chuyên trồng lúa.
Đối với ngành thủy sản, các huyện đã đa dạng hóa được con nuôi phát triển ở 03 vùng (mặn, ngọt, lợ); vùng ven biển đã chuyển đổi mạnh hình thức nuôi từ quảng canh sang nuôi thâm canh, bán thâm canh, đặc biệt là diện tích nuôi tôm nước lợ thâm canh mật độ cao đến nay có khoảng 400ha, năng suất bình quân từ 50-70 tấn/ha; tiếp tục duy trì 5.750ha diện tích nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng và 5.600ha lúa - thủy sản.
Cũng theo ông Phạm Minh Truyền, từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện hơn 30 dự án thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phòng, chống thiên tai và dân sinh; nạo vét 150 công trình kênh cấp II khắc phục hậu quả khô hạn, xâm nhập mặn; xây dựng và sửa chữa hơn 118km đê sông, đê biển; xây lấp 86 cống, bọng; 11,06km kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển; nạo vét hàng năm khoảng 500 công trình thủy lợi nội đồng. Nâng tổng số đến nay toàn tỉnh có 01 hồ chứa phục vụ tưới tiêu cho 300ha trồng màu, 411,52km đê (đê biển, đê sông 269,85km; đê bao, bờ bao nội đồng 141,67km); kênh cấp II là 1.209 kênh, dài 2.771km (gồm 150 kênh tạo nguồn và kênh cấp I hợn 809,5km, 1.059 kênh cấp II, dài 1.961,9km, kênh cấp III là 1.670 kênh và 996 bọng đường kính các loại; 13,47km kè, 03 trạm bơm điện, 454 cầu giao thông nông thôn)...
Nhìn chung, các công trình thủy lợi của tỉnh trong điều kiện bình thường (không bị ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn) cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu khoảng 90% diện tích đất nông nghiệp (tăng 05% so với năm 2013) và bảo đảm nguồn nước cho hơn 8.000ha nuôi thủy sản, tăng 2.000ha so với năm 2013. Về nước sinh hoạt nông thôn thời gian qua, ngành đã đầu tư nâng cấp và xây dựng mới 10 công trình cấp nước, mở rộng hệ thống ống khoảng 40-50km/năm, lắp đặt đồng hồ mới cho khoảng 8.000 hộ/năm, nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,26% (trong đó sử dụng nước sạch 66,78%) và năm 2019, thi công đầu tư mới và nâng cấp mở rộng 10 trạm cấp nước tập trung (đã đạt 70% khối lượng). Ngoài ra, còn đầu tư cho các hộ dân các bể chứa nước mưa để phục vụ sinh hoạt vào mùa khô ở những nơi không kéo được đường ống để cung cấp nước sạch.
Những vùng sạt lở nghiêm trọng, cấp bách đã và đang triển khai thực hiện giải pháp xây kè bê-tông để bảo vệ, cụ thể: Đã triển khai thực hiện 05 dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển dài 11,06km, gồm: 03 dự án chống sạt lở bờ sông dài 6,16km ở khu vực Cồn Hô và ven sông Cổ Chiên xã Đức Mỹ và ven sông Cổ Chiên xã Đại Phước, huyện Càng Long; và 02 dự án kè bảo vệ bờ biển (xã Hiệp Thạnh và xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải) với tổng chiều dài 4,9km và hiện đang triển khai thi công 03 dự án kè bảo vệ bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 2,196km (kè Long Trị - xã Long Đức, dài 600m), kè Hiệp Thạnh, xã Hiệp Thạnh dài 496m và kè Cồn Nhàn - xã Đông Hải, dài 1.100m.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.