21/10/2020 16:12
Ông Kiên Sol, ấp Kênh Xáng, xã Hòa Lợi thu hoạch cải xà lách.
Giai đoạn 2016 - 2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đầu tư hơn 46 tỷ đồng từ Chương trình 30a (Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 của Chính phủ “về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo”) hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển với 90 dự án phát triển sản xuất, mô hình giảm nghèo cho 1.949 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo như: nuôi bò - dê sinh sản, nuôi bò vỗ béo, nuôi gà thả vườn, nuôi cá kèo, nuôi lươn, trồng khoai môn, trồng nấm rơm. Trong đó, Nhân dân đóng góp hơn 18 tỷ đồng. Triển khai trên địa bàn huyện nghèo 34 dự án phát triển sản xuất, mô hình giảm nghèo trên địa bàn 12 xã với 663 hộ hưởng lợi; triển khai 56 dự án trên địa bàn 07 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển với 1.286 hộ hưởng lợi… từ các mô hình này, giúp 1.372 hộ nghèo, cận nghèo tham gia thoát nghèo. Thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia dự án cải thiện, đời sống được nâng lên, đến nay mức thu nhập bình quân của các hộ tham gia dự án đạt 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Trong 09 tháng đầu năm 2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đầu tư 334 triệu đồng cho 26 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở xã Hòa Lợi, huyện Châu thành thực hiện các mô hình giảm nghèo. Ông Thái Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lợi cho biết: thông qua nguồn vốn giảm nghèo, các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn có việc làm, tạo điều kiện tham gia sản xuất, tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế gia đình.
Bên cạnh nguồn vốn chương trình mục tiêu giảm nghèo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Điều phối Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Trà Vinh (Dự án AMD) luôn đồng hành với hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt khó thoát nghèo. Đến nay, xã được Dự án AMD hỗ trợ 4,9 tỷ đồng giúp 182 hộ nghèo, cận nghèo của 19 tổ hợp tác sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, trong đó có 156 hộ đồng bào Khmer. Phần lớn các tổ hợp tác sản xuất màu đều đạt hiệu quả cao, góp phần giảm 143 hộ nghèo vào cuối năm 2019, trong đó giảm 120 hộ nghèo đồng bào Khmer. Hiện xã còn 193 hộ nghèo, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020 giảm 105 hộ nghèo.
Điển hình như hộ bà Đoàn Thị Nga, ấp Đa Hòa Bắc, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành được xã chọn làm điểm hỗ trợ mô hình sinh kế với hỗ trợ ban đầu 12 triệu đồng từ Dự án AMD để trồng trọt. Bà Nga cho biết: khoảng 03 năm trước, bà chuyển 0,4ha đất lúa sang trồng màu, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 03 - 04 lần so với trồng lúa; bà được Dự án AMD hỗ trợ vật tư nông nghiệp quy thành tiền 12 triệu đồng không hoàn lại gồm hệ thống phun sương, mô tưa điện, cây giống cải bẹ cùi, sau hơn 01 tháng chăm sóc, năng suất đạt 2,5 tấn, lợi nhuận 10 triệu đồng. Tận dụng hệ thống phun sương và mô tưa điện của Dự án AMD hỗ trợ bà tiếp tục xuống giống hành lá hoặc ngò rí hay rau cải các loại và xoay vòng khoảng 06 - 08 đợt/năm.
Thấy hiệu quả kinh tế từ việc trồng màu, nhất là hệ thống tưới phun sương tiết kiệm công lao động chăm sóc, từ đó, bà đã mở rộng mô hình sinh kế từ diện tích 0,1ha lên 0,4ha. Nhờ vậy, bà có nguồn thu nhập hàng ngày trang trải cuộc sống, còn tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình có việc làm thường xuyên ổn định cuộc sống. Vụ màu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng tình hình mặn xâm nhập, dịch bệnh Covid-19 nhưng 0,4ha màu ngò rí, hành lá, cải bẹ cùi, rau cần, cải xà lách của bà Nga luôn được mùa được giá, trong 09 tháng đầu năm 2020 tổng doanh thu đạt gần 400 triệu đồng, lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.
Theo bà Nga, rau cần, cải xà lách vừa qua lợi nhuận rất cao, bởi giá bán từ 20.000 - 35.000 đồng/kg, hai loại cây trồng này chi phí ít nên lợi nhuận nhiều. Hiện 0,4ha cải bẹ cùi, gừng, hành lá đang phát triển chuẩn bị thu hoạch. Nhờ được thuận lợi tiếp sức làm ăn hiệu quả và nhiều vật dụng phục vụ sản xuất, nên kinh tế gia đình ngày càng nâng cao.
Hay gia đình ông Kiên Sol, ấp Kênh Xáng, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành từ hộ cận nghèo nhận hỗ trợ từ Dự án AMD đầu tư trồng cải bẹ cùi trên diện tích 0,1ha đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Sol cho biết: do hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện về vốn để đầu tư vào trồng màu. Ngoài 0,3ha đất trồng lúa, ông tận dụng 0,1ha đất xung quanh nhà trồng cải các loại chủ yếu xà lách, cải ngọt. 02 năm trước, thông qua địa phương, gia đình ông được Dự án AMD hỗ trợ hệ thống tưới phun sương để trồng rẫy, từ đó, tiết kiệm chi phí sản xuất, nhất là giảm nhiều công lao động để trồng nhiều đợt rau màu trong năm trên cùng đơn vị diện tích. Cây màu chủ lực cải xà lách, cải ngọt, bẹ cùi trồng xoay vòng 08 đợt/năm, lợi nhuận bình quân từ 06 - 08 triệu đồng/1.000m2.
Nhận thấy hiệu quả mang lại từ việc đầu tư ứng dụng hệ thống tưới phun sương, gia đình ông Thạch Nan, ấp Kênh Xáng, xã Hòa Lợi đã tự túc đầu tư hệ thống tưới phun trồng 0,15ha màu để giảm công lao động. Theo ông Nan, do diện tích đất sản xuất ít, thiếu vốn đầu tư, vì thế để cải thiện cuộc sống gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đất lúa lên liếp trồng màu chủ yếu rau cải các loại. Nhờ vậy gia đình ông có mặt hàng nông sản bán quanh năm, có nguồn thu nhập thường xuyên và ổn định. Với 0,15ha đất canh tác ông luân phiên xoay vòng các loại cải ngọt, xà lách, cải thìa, củ cải,… lợi nhuận từ 06 - 08 triệu đồng/đợt/1.000m2, đặc biệt vụ cải xà lách, cải thìa vừa qua với giá bán 20 - 35.000 đồng/kg, ông thu lợi nhuận 20 triệu đồng/1.000m2.
Theo ông Thái Thanh Bình, thông qua các nguồn vốn đầu tư từ dự án tạo sinh kế cho hộ khó khăn, hộ nghèo giảm nghèo bền vững; xã còn tranh thủ nguồn vốn Chương trình mục tiêu giảm nghèo, vốn XDNTM, vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Chính sách xã hội huyện hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo góp phần vận động, hỗ trợ nhiều hộ tìm hướng thoát nghèo. Để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tổ chức lại sản xuất, thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp phù hợp với điều kiện địa bàn đem lại hiệu quả kinh tế gắn với phát triển kinh tế tập thể, tập trung sản xuất cây màu có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập kinh tế hộ.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.