24/01/2022 12:56
Ông Thạch Ngọc Đạt chia sẻ về câu chuyện thoát nghèo. |
Thế nhưng, những năm gần đây, từ những chuyển đổi trong cơ cấu sản xuất, Trà Kim ngày nay nhựa hóa những con đường, căn nhà lá thay bằng nhà tường kiên cố và vùng cát pha hồi sinh bằng cánh đồng ớt chỉ thiên, hứa hẹn vụ mùa bội thu trong dịp tết Nguyên đán 2022.
Chia sẻ với chúng tôi trong câu chuyện thoát nghèo của ấp Trà Kim, ông Thạch Cham Pa, Trưởng ban Nhân dân ấp Trà Kim không quên nhắc đến tên ông Thạch Ngọc Đạt - đảng viên tiên phong trong việc đưa cây màu xuống chân ruộng và hành trình vượt khó, thoát nghèo.
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất khó, cũng như bao nông dân khác, gia đình ông Thạch Ngọc Đạt từng chạy cơm từng bữa lo 05 nhân khẩu. Tuy có đất, nhưng mùa màng thất bát nên cái nghèo cứ đeo bám. Năm 2010 sau khi được địa phương tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Chi bộ ấp Trà Kim, điều trăn trở đầu tiên của ông Đạt là tỷ lệ hộ nghèo của ấp quá cao (chiếm gần 90%) so với tổng số hộ chung, trong số đó có gia đình ông.
Trên vùng đất cằn cỗi, thiếu nước vào mùa khô, không thể mang lại năng suất cao cho cây lúa truyền thống, mặc dù nông dân Thạch Ngọc Đạt đã nghĩ ra phương án đào giếng, sử dụng tấm lót bạc trữ nước nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn nước.
Ông Thạch Ngọc Đạt chia sẻ: phải tổ chức lại sản xuất, thay đổi cây trồng, mới mong thoát nghèo. Năm 2012, sau khi được tham quan mô hình trồng ớt chỉ thiên ở huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, do Hội Nông dân xã Thuận Hòa tổ chức, tôi thấy mô hình này thích nghi với điều kiện tự nhiên tại địa phương nên về trồng thử nghiệm trên 01 công đất ruộng bỏ hoang. Vụ đầu tiên thất bại do chưa áp dụng đúng kỹ thuật trồng. Không bỏ cuộc, tôi tìm đến cán bộ nông nghiệp xã để tư vấn cho vụ sau.
Ông Thạch Ngọc Đạt nghiệm ra, trước khi trồng ớt, cần cày xới đất cho tơi xốp, phơi đất từ 10 - 15 ngày và làm sạch cỏ, bón lót phân, sau đó tiến hành lên luống cao khoảng 35cm. Mỗi luống rộng 65cm để cây phát triển chắc khỏe cho trái sai. Địa điểm trồng ớt cũng phải bảo đảm thoát nước tốt, mùa mưa ớt ngập úng rất dễ thối rễ, chết cây, nên luống ớt phải cao và sử dụng màng phủ. Sau 90 ngày chăm sóc, cuối cùng ớt cho thu hoạch và năng suất cao ngoài mong đợi, lợi nhuận cao gấp 04 - 05 lần so với trồng lúa.
Phấn khởi trước những thành quả ban đầu về mô hình trồng ớt chỉ thiên của gia đình mình, ông Thạch Ngọc Đạt bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm thoát nghèo cho người dân trong và ngoài ấp. Ông kết hợp với chính quyền địa phương mời bà con tham quan mô hình và so sánh về hiệu quả kinh tế giữa trồng ớt và cây lúa truyền thống. Riêng gia đình ông, tiếp tục mạnh dạn chuyển đổi 03 công đất trồng lúa kém hiệu quả, sang trồng ớt chỉ thiên để vươn lên làm giàu.
Ông Thạch Ngọc Đạt nhớ lại: vụ ớt đầu tiên thành công, nhiều bà con mong muốn chuyển đổi diện tích từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ớt, thế nhưng vốn đầu tư cho mô hình vẫn là nỗi lo lớn của nhiều hộ gặp khó khăn, nên bà con e ngại. Thấy vậy, tôi vận động một vài hộ gần nhà làm thử và hứa cho mỗi hộ mượn từ 01 - 02 triệu đồng để lên liếp, cày ải đất, mua phân bón, còn giống ớt do Công ty ở huyện Củ Chi hỗ trợ. Ngoài ra tôi còn kết hợp với Hội Nông dân xã Thuận Hòa thành lập Tổ hợp tác trồng ớt chỉ thiên để bà con được vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.
Nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn cho đến kỹ thuật trồng và đầu ra ổn định do được Công ty ở huyện Củ Chi nhận bao tiêu sản phẩm, nhiều hộ dân ở ấp Trà Kim an tâm cải tạo đất, lên liếp trồng ớt chỉ thiên. Ông Thạch Phi Rum, ấp Trà Kim cho biết: sau nhiều lần được ông Đạt vận động và hướng dẫn tận tình, tôi quyết định không đi làm phụ hồ ở Thành phố Hồ Chí Minh để về quê lập nghiệp. Gia đình tôi nghèo không có đất, nên được ông Đạt giới thiệu cho thuê 02 công đất gần nhà để trồng ớt chỉ thiên. Lúc đầu trồng, ông Đạt tận tình hướng dẫn kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm, ngoài ra ông còn hỗ trợ cho mượn vốn để mua phân, thuốc. Nhờ ớt chỉ thiên mà gia đình tôi thoát nghèo cuối năm 2020.
Ông Thạch Ngọc Đạt kiểm tra chất lượng ớt chỉ thiên của gia đình.
Từ hiệu quả của mô hình trồng ớt chỉ thiên của gia đình ông Thạch Ngọc Đạt, đến nay có khoảng 50 hộ dân ở ấp Trà Kim đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả, tận dụng đất xung quanh nhà, đất cặp bờ kênh để trồng ớt, trên tổng diện tích hơn 20ha.
Ông Thạch Cham Pa cho biết thêm: những năm qua, nhiều nông dân ở đây xem cây ớt chỉ thiên là một trong những cây trồng chủ lực, được lựa chọn vào danh sách “cây thoát nghèo”. Tính từ năm 2012 đến nay, từ khi có mô hình trồng ớt chỉ thiên, hàng năm ở ấp có từ 16 - 21 hộ thoát nghèo.
Dẫn chúng tôi tham quan cánh đồng ớt chỉ thiên mới bắt đầu vụ thu hoạch đầu tiên, ông Phạm Hoàng Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Hòa cho biết: từ mô hình trồng ớt chỉ thiên của gia đình ông Thạch Ngọc Đạt, đến nay Hội Nông dân xã Thuận hòa đã nhân rộng ra toàn xã với diện tích trồng hơn 70ha. Mặc dù ở thời điểm giữa năm 2021, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19 nên giá ớt xuống thấp, thế nhưng bà con trồng ớt cũng huề vốn, chứ không bị lỗ. Nay gần đến tết Nguyên đán, ớt đã có giá trở lại, bình quân từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, được thương lái đến thu mua tại ruộng. Với mức giá này, bà con rất phấn khởi vì được mùa, được giá. Mỗi công ớt ước tính cho năng suất từ 02 - 03 tấn, sau khi trừ đi chi phí, bà con còn lời từ 20 - 30 triệu đồng. Hiện nay, cây ớt chỉ thiên không những mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, mà việc hái ớt còn tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương trong mùa dịch Covid-19, với mức thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, có thể tận dụng cây ớt làm thức ăn để nuôi bò, mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi.
Vùng đất khô cằn, nứt nẻ ngày nào nay được phủ xanh từ “cây thoát nghèo” ớt chỉ thiên. Niềm vui không riêng gia đình nông dân Thạch Ngọc Đạt mà còn lan tỏa sang rất nhiều hộ nông dân ở ấp Trà Kim, trong đó đa số là hộ đồng bào Khmer.
Bài, ảnh: SỐC KHA
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.