29/07/2022 12:56
Là xã có thế mạnh về sản xuất cây lúa, tuy nhiên tại các vùng triền giồng, đất gò trên địa bàn xã Châu Điền, huyện Cầu Kè việc trồng lúa gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế không cao. Trước thực trạng trên, năm 2022, Hội Nông dân xã Châu Điền, huyện Cầu Kè đã vận động nông dân, đặc biệt là trong đồng bào Khmer mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, theo hình thức đưa cây màu xuống chân ruộng... Kết quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 03 - 04 lần so với trồng lúa.
Nông dân Lý Sô Phia thu nhập 150 triệu đồng/ha/năm từ mô hình luân canh cây màu trên đất lúa.
Nông dân Lý Sô Phia, ở ấp Ô Tưng A, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè phấn khởi cho biết: gia đình có 0,3ha đất trồng lúa, do ảnh hưởng đất gò, nguồn nước sản xuất không thuận lợi cùng với giá vật tư nông nghiệp tăng cao… tháng 3/2022, thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện đầu tư 30 triệu đồng để tạo điều kiện cho gia đình chuyển đổi sang trồng màu, như dưa leo, đậu que. Với giá bán bình quân 7.000 đồng/kg, năng suất 22 tấn/ha; trừ chi phí, người trồng thu vào trên 10 triệu đồng/1.000m2/vụ.
Ông Tô Hoàng Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Điền, huyện Cầu Kè cho biết: mô hình chuyển đổi sản xuất qua trồng màu trên đất lúa kém hiệu quả ở ấp Châu Hưng A (ấp có trên 90% đồng bào Khmer sinh sống) có tác động rất lớn trong thay đổi phương thức canh tác của người dân ở đây.
Trong điều kiện về nguồn vốn hỗ trợ còn khó khăn, trước mắt, Hội sẽ tận dụng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để giúp nông dân làm mô hình điểm ấp Châu Hưng A (đầu tư cho 08 hộ, kinh phí 220 triệu đồng, diện tích 2,5ha) trong vụ màu hè - thu năm 2022. Sau đó, Hội tổ chức cho nông dân ở các ấp đến học tập kinh nghiệm của các hộ trồng màu trong mô hình để phát triển, nhân rộng trong năm nay ở 03 ấp Ô Tưng A, Rùm Sóc, Ô Mịch.
Nông dân Thạch Sương, ấp Ô Tưng A cho biết: từ mô hình luân canh cây màu trên đất lúa được Hội Nông dân hỗ trợ đầu tư cho gia đình (0,2ha), ngoài đem lại nguồn thu nhập cho gia đình khoảng 20 triệu đồng/vụ, qua đó, mô hình trồng màu (dưa leo) khi vào vụ đông ken, còn giải quyết việc làm thêm cho các hội viên và nông dân xung quanh. Bình quân trong 01 vụ màu (khoảng 2,5 tháng), lúc thu hoạch rộ kéo dài khoảng 30 ngày, từng gia đình không thể thu hoạch được nên phải thuê thêm lao động. Với diện tích 0,1ha cần thuê thêm 02 lao động để thu hoạch, thời gian khoảng 15 - 20 ngày/lao động và công lao động hiện nay 150.000 đồng/ngày (thời gian thu hoạch khoảng 04 - 05 giờ).
Cái hay của mô hình luân canh màu trên đất lúa kém hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Cầu Kè cho Chi hội Nông dân ấp Châu Hưng A là giúp các hội viên liên kết trong quá trình trồng màu theo yêu cầu của người thu mua, như thời gian thu hoạch, sản lượng thu gom, vận chuyển đưa ra xe...
Tính đến cuối tháng 7/2022, Hội Nông dân xã Châu Điền đã củng cố và thành lập được 12 tổ hội nghề nghiệp, có 432 thành viên tham gia trên các lĩnh vực: trồng màu, lúa, chăn nuôi. Riêng mô hình “Vật tư giá rẻ, lúa chất lượng cao” trong liên kết sản xuất lúa với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời trong vụ lúa hè - thu năm 2022, có 159 hộ tham gia trên diện tích 164,4ha.
Cũng theo ông Tô Hoàng Anh, với việc liên kết nông dân - doanh nghiệp nên giá thu mua sản phẩm cũng tăng hơn so với bên ngoài (khoảng 1.000 đồng/kg). Bên cạnh, Hội còn thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng màu để các hội viên có cùng mục tiêu (trồng màu) tiếp cận các kỹ thuật, quy trình, thời gian xuống giống, thu hoạch, chủng loại trồng với đơn vị thu mua.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.