31/07/2022 13:46
Nông dân Thạch Hết, sinh năm 1962 ở ấp Sóc Giụp, xã Long Sơn là một trong những gương điển hình làm kinh tế giỏi của ấp, dám nghĩ, dám làm, đã áp dụng thành công mô hình kinh tế với thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm.
Nông dân Thạch Hết (giữa) trải màng phủ chuẩn bị xuống giống vụ dưa mới.
Ông Thạch Minh, Trưởng Ban nhân dân ấp, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của Chi hội Nông dân ấp Sóc Giụp cho biết: nông dân Thạch Hết là hội viên Hội Nông dân, trước đây ông thuộc diện hộ nghèo, ông được hỗ trợ vay vốn của Hội Nông dân 25 triệu đồng, cộng với tính cầu cù, chí thú làm ăn nên năm 2020 gia đình ông thoát nghèo.
Ông Hết chia sẻ: tôi là lao động chính trong gia đình, tôi suy nghĩ nếu muốn thoát nghèo thì phải tự tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế. Từ đó, tôi luôn tìm tòi, học hỏi và đổi mới cách làm ăn bằng phương pháp trồng đa canh các loại cây màu xoay vòng nhiều vụ trong năm nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là cách làm có hiệu quả, phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng địa phương, mà các nơi khác đã thực hiện thành công.
Ông Hết cho biết: với 04 công đất sản xuất, hàng năm ông trồng 01 - 02 vụ mướp trên diện tích 02 công; 02 công còn lại trồng 01 vụ lúa - 01 vụ màu (bí đỏ), lợi nhuận khoảng từ 05 -10 triệu đồng/vụ/công. Song song với cây lúa, cây màu, ông Hết được Hội Nông dân xã hỗ trợ vốn vay giảm nghèo 15 triệu đồng để đầu tư nuôi bò sinh sản, đến nay phát triển 06 con bò sinh sản, bình quân mỗi năm xuất bán 02 con, thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, 03 năm gần đây, gia đình ông Hết được Công ty Cổ phần Solagron (ấp Sóc Mới, xã Long Sơn) cho mượn 04 công đất để canh tác. Do điều kiện đất triền giồng nên ông Hết thuận lợi sản xuất 03 vụ dưa hấu/năm. Vụ đầu tiên ông trồng 04 công dưa hấu, sản lượng thu hoạch đạt 08 tấn, lợi nhuận 20 triệu đồng. Hiện tại, gia đình Hết đang cải tạo đất trải màng phủ nông nghiệp chuẩn bị cho vụ dưa hấu tiếp theo. Ngoài chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Hết giải quyết việc làm cho 05 lao động tham gia làm đất, xuống giống… thu nhập từ 170.000 - 250.000 đồng/người/lao động.
Từ gia đình khó khăn, nay ông Hết đã trở thành hộ có kinh tế khá ở địa phương. Có thể nói, mô hình phát triển kinh tế gia đình từ mô hình đa canh là một mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Mô hình này đã và đang được nhân rộng là hướng đi đúng đắn, giúp nhiều hộ dân có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: CẨM TIẾU
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.