17/09/2020 08:07
Gia đình ông Thạch Nhỏ có 04 thành viên, hàng ngày vợ ông luôn bận rộn với việc chăm sóc 02 con nhỏ, nên nguồn thu nhập trang trải cuộc sống cho gia đình phụ thuộc vào ông. Những năm đầu sau khi lập gia đình, mặc dù canh tác 6.000m2 đất ruộng nhưng do giá lúa bấp bênh và lợi nhuận không cao nên hoàn cảnh gia đình ông còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, 2.000m2 đất trồng tre cha mẹ cho, ông mạnh dạn phá bỏ và chuyển sang trồng đậu phộng, do chưa có kinh nghiệm nên năng suất không cao, mỗi vụ thu hoạch khoảng 06 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận không nhiều.
Ngoài trồng cây đậu phộng, bưởi và dừa, ông Thạch Nhỏ còn nuôi bò sinh sản, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. |
Ông Thạch Nhỏ cho biết: “Ấp Sóc là vùng đất giồng cát nên người dân tận dụng trồng rất nhiều tre để làm nhà và một số đồ dùng. Tuy nhiên, những năm gần đây giá trị kinh tế mang lại từ cây tre không còn hiệu quả, nên việc chuyển đổi sang cây trồng có giá trị kinh tế để nâng cao thu nhập cho gia đình là rất cần thiết nên tôi mạnh dạn chuyển đổi cây trồng”.
Năm 2016, một số hộ có vườn tre kêu bán với giá hợp lý, nên ông nảy sinh ý tưởng bán diện tích đất ruộng lúa mua lại diện tích đất vườn tre, sau đó ông phá bỏ cây tre để trồng dừa, bưởi và đậu phộng. 04 năm qua, ông được tham gia đoàn thực hiện các chuyến tham quan mô hình làm ăn có hiệu quả do chính quyền địa phương tổ chức, ông Thạch Nhỏ được tiếp cận và tham gia học tập các lớp tập huấn hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cùng với sự tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình hiệu quả tại địa phương, đến nay, mô hình “Chuyển đổi từ đất trồng tre kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao” của ông bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, cho nguồn thu nhập ổn định.
Với diện tích 5.000m2 trồng đậu phộng 03 vụ/năm, mỗi năm, ông thu được 105 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận hơn 75 triệu đồng, tăng rất nhiều lần so với thời điểm trồng tre. Bên cạnh đó, ông Nhỏ còn tận dụng thân cây đậu phộng làm nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho đàn bò sinh sản của gia đình, từ đó cho nguồn thu nhập khá. Bên cạnh đó, với diện tích 3.000m2 trồng dừa mới cho trái hứa hẹn về lâu dài mang lại hiệu quả cao và 2.000m2 trồng bưởi, cũng mới cho trái và phát triển tốt.
“Là nông dân trực tiếp sản xuất, tôi thấy việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao là việc rất cần thiết trong thời buổi hiện nay. Để làm được đều này, các ngành, các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho người dân trong việc chuyển đổi phương thức sản xuất, góp phần tăng thu nhập trên cùng diện tích. Điều quan trọng là người tham gia sản xuất phải có sự sáng tạo và tâm huyết với mô hình của mình. Bên cạnh đó, phải quan tâm chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân, tổ chức cho nông dân tham quan, học hỏi những mô hình làm ăn có hiệu quả để tự đút kết kinh nghiệm trong chăn nuôi, sản xuất. Đồng thời, tìm đầu ra ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân ký kết hợp đồng ổn định đầu ra cho sản phẩm” - ông Thạch Nhỏ cho biết.
Ông Thạch Bằng, Bí thư Chi bộ ấp Sóc phấn khởi: “Ông Thạch Nhỏ là một trong những tấm gương nông dân sản xuất giỏi của ấp. Với sự cần cù, vượt khó, chí thú làm ăn và được sự hỗ trợ từ dự án phát triển sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay, gia đình ông xây dựng được cơ ngơi kha khá. Có thể nói, mô hình “Chuyển đổi từ đất trồng tre kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao” của ông Thạch Nhỏ rất cần được phát huy và nhân rộng cho người dân địa phương, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ, nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho người dân trong vùng có đông đồng bào Khmer.”
Được biết, ấp Sóc hiện có 1.440 nhân khẩu, trong đó, đồng bào Khmer chiếm 70%. Những năm qua, nhờ áp dụng đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững cùng với ý chí, nghị lực vươn lên của từng hộ gia đình, qua từng năm, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ Khmer nghèo trên địa bàn ấp giảm đáng kể. Năm 2015, ấp Sóc có 185 hộ nghèo, đến nay còn 40 hộ nghèo (giảm 145 hộ). Chỉ tiêu năm 2020, xóa 19 hộ nghèo, khả năng dự báo ấp Sóc thực hiện đạt chỉ tiêu này.
Bài, ảnh: NGUYỆT GIAO
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.