19/01/2023 07:37
Phòng Kinh tế thị xã Duyên Hải tổ chức hội thảo về kỹ thuật trồng hành tím tại xã Trường Long Hòa.
Ảnh: MINH TRÍ
Đặc biệt, vụ màu tết Nguyên đán năm nay, toàn thị xã không có diện tích dưa hấu như những năm trước. Riêng diện tích hành tím, những năm trước, trên địa bàn thị xã có gần 100ha để bán thị trường Tết, nhưng năm nay cũng rất ít, chỉ vài chục héc-ta, nhưng năng suất rất thấp. Mặc dù nông dân đã chủ động xuống giống, nhưng do nhiều vùng, mưa nhiều, nên ngập úng, làm cho diện tích màu thiệt hại trắng.
Tại ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa, ông Nguyễn Văn Cồn vừa thu hoạch 1.500m2 hành tím. Ông cho biết, năm nay, nông dân trồng hành tím nói riêng, trồng màu Tết nói chung gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của mưa kéo dài và nhiều mưa trái mùa. Gia đình ông phải tốn thêm công lên bờ bao cục bộ và bơm nước ra. Theo ông Cồn, chỉ 1.500m2, nhưng chi phí thêm gần 07 triệu đồng (tiền nhân công và tiền điện). Nhờ giá hành khá cao, thời điểm ông thu hoạch bán với giá 40.000 đồng/kg, sản lượng đạt 2,1 tấn/1.500m2, lợi nhuận gần 60 triệu đồng.
Do diện tích màu giảm, nên hiện nay, các loại rau, màu trên địa bàn thị xã đang có giá cao hơn so với cùng kỳ của những năm trước. Vào thời điểm giữa tháng 12/2022, giá hành tím từ 50.000 - 51.000 đồng/kg, hiện tại giá từ 40.000 - 42.000 đồng/kg, nhưng không có hành dự trữ, diện tích hành ngoài ruộng cũng không lớn. Do vậy, dự đoán, các loại màu Tết năm nay nói chung, hành tím nói riêng, sẽ có giá rất cao so với những năm trước.
Theo đồng chí Phan Thanh Điền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Toàn, vụ màu đông - xuân năm 2022, nông dân trong xã xuống giống gần 10ha màu các loại, đạt 105,3% kế hoạch, nhưng phần lớn nông dân trồng ớt chỉ thiên, các loại rau màu khác không đáng kể. Đến thời điểm hiện tại, giá ổn định, nông dân thu nhập khá.
Theo đồng chí Nguyễn Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long Hòa, năm 2022, toàn xã có hơn 400 hộ trồng màu, trong đó, có khoảng 300 hộ có diện tích trồng hành tím. Riêng vụ màu phục vụ thị trường Tết có hơn 200 hộ có diện tích (khoảng 25ha) bị thiệt hại. Trong đó, nhiều nhất là hành tím và khoai lang.
Đơn cử như hộ ông Huỳnh Văn Nghĩa, ấp Nhà Mát trồng 0,5ha hành tím, do ngập úng nên thiệt hại 100%, tổng thiệt hại gần 30 triệu đồng (giống, công lên luống, phân bón, thuốc).
Theo đồng chí Huỳnh Văn Màu, trước tình hình khó khăn trên, Phòng Kinh tế thị xã đang phối hợp với các địa phương vận động nông dân xuống giống vụ dưa tháng 3 và đông - xuân muộn đối với các loại màu khác, nhằm bù lại những thiệt hại do thời tiết, biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng như vừa qua.
Để đảm bảo kế hoạch sản xuất màu năm 2023 đạt hiệu quả cao, Phòng Kinh tế thị xã Duyên Hải chủ động xây dựng kế hoạch nhằm định hướng cho nông dân sản xuất hiệu quả. Trong đó, phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ trao đổi thông tin có liên quan đến tình hình sản xuất cây bí đỏ. Kết hợp với UBND các xã, phường nắm chặt tiến độ sản xuất cây màu; qua đó, triển khai các mô hình mới có hiệu quả để khuyến khích người dân nhân rộng. Tiếp tục thực hiện các quy trình thủ tục dự án khoa học công nghệ: trồng dưa lưới; phối hợp trạm khuyến nông triển khai các lớp tập huấn, hội thảo... nhằm chuyển giao khoa học - kỹ thuật đến nông dân.
TRƯỜNG NGUYÊN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.