25/01/2021 09:16
Ông Kim Sô Phan, công chức nông nghiệp xã Long Sơn hướng dẫn nông dân Nguyễn Văn Vũ chỉnh, cắt chèo dưa hấu.
Long Sơn là địa phương có nguồn rau màu phục vụ thị trường Tết tương đối lớn của huyện. Những ngày này, nông dân trong xã đang khẩn trương chăm sóc các loại hoa màu. Dự báo giá nông sản dịp Tết năm nay có nhiều biến động, đầu ra bấp bênh do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên nông dân tranh thủ xuống giống sớm và chia nhỏ diện tích để trồng xoay vòng những loại cây ngắn ngày như khổ qua, bầu, bí đao, mướp, ớt chỉ thiên để phục vụ thị trường. Thời điểm này có một số nơi đang thu hoạch ớt chỉ thiên và bí đỏ, số còn lại đang chăm sóc và xuống giống bán sau Tết.
Những ngày này về ấp Huyền Đức, nơi có nguồn cung nông sản phục vụ thị trường Tết khá dồi dào của xã Long Sơn. Với lợi thế có nhiều đất giồng cát, nên Huyền Đức đã trở thành vùng trọng điểm chuyên màu 03 vụ màu/năm, có hộ dân chủ động cơ cấu mùa vụ hợp lý, chọn giống cây ngắn ngày có giá trị kinh tế cao trồng được 04 vụ/năm như dưa hấu, bí đỏ, bắp ăn, đậu phộng, củ cải trắng… người dân có thể đạt lợi nhuận từ 50 - 80 triệu đồng/ha tùy theo giá và thời điểm xuống giống. Việc thâm canh cây màu các loại trong những năm gần đây đã giúp người dân vùng cát cải thiện cuộc sống và thoát nghèo bền vững. Qua đó, mở ra hướng canh tác nông nghiệp bền vững trên vùng cát, giúp người lao động các địa phương khác chủ động khai thác tốt tiềm năng đất đai để nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Hàng năm gần đến Tết, giá các loại hoa màu tăng cao lại rất hút hàng. Do đó, Tết năm nay, nhiều nông dân trên địa bàn xã Long Sơn vẫn nuôi hy vọng những rẫy màu mới gieo sẽ tăng cao vào dịp trước, trong và sau Tết. Nông dân Nguyễn Văn Vũ, ấp Huyền Đức là một trong những hộ có kinh nghiệm trồng dưa hấu Tết gần 10 năm qua cho biết: dưa hấu là cây trồng ngắn ngày khoảng hơn 02 tháng cho thu hoạch, thị trường đầu ra vào tháng cuối năm khá ổn định. Với 0,6ha đất trồng lúa trước đây kém hiệu quả nên ông chuyển sang trồng luân canh 02 vụ màu - 01 vụ lúa đem lại kinh tế cao. Hàng năm với diện tích trên ông trồng dưa hấu để bán Tết, tuy giá sản phẩm dưa hấu không ổn định, khâu tiêu thụ vẫn còn bấp bênh, nhưng được thị trường ưa chuộng. Với ông Vũ, dưa hấu ngoài thời gian trồng ngắn, chi phí nhẹ hơn cây trồng khác, chi phí đầu tư vụ dưa hấu khoảng 30 triệu đồng/ha gồm giống, màng phủ nông nghiệp, cày, xới, xuống giống, phân bón và thuốc ít, quan trọng lấy công làm lời. Trong quá trình trồng dưa hấu, công lao động khá nhiều nhất là thời điểm xới đất, lên liếp, trải màng phủ, cắt chèo dưa, úp nụ dưa và cắt loại bỏ những quả dưa không đạt để lại 01 hoặc 02 quả dưa đạt chất lượng chăm sóc cho đến thu hoạch. Theo ông Vũ, vụ dưa hấu Tết đợt này, từ khi xuống giống đến nay hơn 01 tháng phát triển tốt, năng suất ước đạt 03 tấn/1.000m2, nếu bán được giá từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, ông thu lợi nhuận 03 - 05 triệu đồng/1.000m2.
Theo kinh nghiệm của nông dân nơi đây, trồng loại cây nào cũng tùy theo sở thích của từng hộ, nhưng trồng màu bán vào dịp Tết đầu ra luôn ổn định, giá lại tăng, dễ chăm sóc, vốn nhẹ, thời gian thu hoạch ngắn, có việc làm ổn định, thu nhập thường xuyên đáp ứng chi tiêu hàng ngày cho gia đình. Vụ màu Tết này ông Nguyễn Văn Tra, ấp Huyền Đức chọn cây bí đỏ trồng. Theo ông Tra, tuy cây dưa hấu có thời gian thu hoạch ngắn hơn cây bí đỏ nhưng giá dưa hấu không ổn định có thời điểm rớt giá còn 2.000 đồng/kg, có lúc tăng đến 10.000 đồng/kg; còn cây bí đỏ đầu ra luôn ổn định từ 6.000 - 10.000 đồng/kg. Vụ bí đỏ đợt này ông trồng 0,3ha hiện đang thu hoạch bông và đọt bí. Hiện nay, nhu cầu mặt hàng bông bí khá lớn, còn trái bí gần đến thu hoạch chỉ cần thỏa thuận giá xong là thương lái đến tận đồng ruộng thu mua. Trồng bí đỏ tuy cực công chăm sóc và chi phí cao hơn cây dưa hấu nhưng lợi nhuận nhiều, bởi trong thời gian chăm sóc, người trồng thu hồi vốn từ bông và đọt bí để chờ thu hoạch trái bí, năng suất bí ước đạt 02 - 03 tấn/1.000m2, giá bán hiện nay dao động từ 8.000 - 11.000 đồng/kg. Với diện tích trên, vụ bí Tết này ông thu lợi nhuận khá có thêm thu nhập trang trải trong những ngày cuối năm.
Theo ông Thạch Ru La, Bí thư Đảng ủy xã Long Sơn, tuy cây màu trên địa bàn xã được trồng quanh năm, song vụ Tết vẫn là vụ chính nên được nhiều nông dân quan tâm sản xuất. Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, nhưng đây chính là một trong những khoản thu nhập giúp nông dân trang trải khi Tết đến. Diện tích xuống giống màu cả năm 2020 khoảng 3.210ha màu các loại. Ngoài ra, xã vận động nông dân ở khu vực cánh đồng Trà Côn, cánh đồng Năng chuyên sản xuất tôm lúa sang nuôi tôm thâm canh với diện tích 900ha và vận động nông dân các ấp Huyền Đức, Bào Mốt, Sóc Mới, Ô Răng chuyển 169,5ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu nhằm góp phần tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.