30/01/2022 10:03
Nông nghiệp công nghệ cao (nông nghiệp 4.0) là “hành trang” để hướng nông dân tiến tới nền nông nghiệp bền vững, ổn định và thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) khi điều kiện sản xuất trong nông nghiệp, cũng như sinh kế của người dân đang chịu tác động tiêu cực từ ảnh hưởng của môi trường, thiên tai…
Nông dân Diệp Huỳnh Khôn thu hoạch dưa lưới sản xuất theo mô hình ứng dụng công nghệ 4.0.
“Lột xác” qua nông nghiệp 4.0
Một số kết quả đạt được trong ứng dụng nông nghiệp 4.0 được ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh tiếp cận và triển khai, như xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm qua tem điện tử; hệ thống quản lý, theo dõi độ mặn, pH qua thiết bị smartphone; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa gắn với tiêu thụ nông sản; kết nối tiêu thụ nông sản… Cùng với đó, trong lĩnh vực nông nghiệp đã áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) triển khai như: hệ thống báo cáo thống kê trực tuyến ngành NN-PTNT, VNFISHBASE (cơ sở dữ liệu ngành thủy sản), bản đồ số hóa hệ thống thủy lợi.
Ông Trần Quốc Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Dân Tiến, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè cho biết: việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp đang dần phát huy hiệu quả, giúp nông dân chủ động ứng phó, xử lý kịp thời các bất lợi trong sản xuất. Hiện tại hợp tác xã đang sản xuất trong vùng khép kín khoảng 85ha, được lắp các bẫy đèn tự động theo dõi sâu bệnh; các cảm biến (sử dụng năng lượng mặt trời) đo mực nước và độ mặn trong cánh đồng… |
Về phát triển nông nghiệp 4.0, đã triển khai 15 điểm quan trắc và 03 phao quan trắc ứng dụng điện toán đám mây đề đo mực nước, độ mặn, pH và độ kiềm tại các cống đầu mối và cửa sông phục vụ công tác quản lý cây trồng. Lắp đặt hệ thống cảm biến mực nước tại hệ thống kênh nổi Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần. Sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động cho trên 4.840ha cây màu (đậu phộng, dưa hấu, bí đỏ). Có thể nói, cách mạng công nghiệp 4.0 đã biến nông nghiệp từ bị động sang chủ động, thông qua các quy trình thường nhật mà nông dân trước đây luôn phụ thuộc vào thời tiết, mùa vụ… từ đó, giúp nông dân chủ động tiết kiệm các chi phí trong canh tác (nước, phân bón) cũng như dự báo được tình hình bất lợi trong sản xuất (mặn xâm nhập; sinh vật gây hại…) và thích ứng với BĐKH.
Việc ứng dụng các thành tựu khoa học (hay còn gọi là công nghệ 4.0) vào sản xuất đã mang lại hiệu quả rất lớn cho nông dân.
Sử dụng phần mềm quản lý sâu bệnh PPDMS 2.0; ứng dụng công nghệ viễn thám “GIS” trong công tác dự tính, dự báo. Xây dựng 10 hệ thống bẫy đèn thông minh trên địa bàn tỉnh nhằm theo dõi tình hình côn trùng trên lúa, tăng cường theo dõi côn trùng trên cây ăn trái, rau màu... Bẫy đèn thông minh bằng trí tuệ nhân tạo sẽ nhận dạng chính xác số lượng, chủng loại côn trùng vào đèn; giúp nhà quản lý có đầy đủ cơ sở dữ liệu từng bẫy đèn trên máy chủ và máy trạm thông qua phần mềm ứng dụng.
Theo ông Lê Trường Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN-PTNT Trà Vinh): việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp như bẫy côn trùng, tự động đo mặn, mực nước… giúp ngành chuyên môn và nông dân theo dõi, cập nhật diễn biến liên tục để chủ động trong sản xuất, điển hình là trong tình hình mặn năm 2019-2020.
Ứng dụng công nghệ 4.0 trong tổ chức lại sản xuất
Theo ông Phạm Minh Truyền, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN-PTNT: việc tiếp cận công nghệ giúp ngành nông nghiệp và nông dân dần thay đổi phương thức tổ chức lại sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung… để từ đó việc ứng dụng vào canh tác đồng loạt, dễ thực hiện và đảm bảo được quy mô về diện tích, sản lượng để các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện liên kết với nông dân, tổ hợp tác, hợp tác về bao tiêu, cung ứng sản phẩm.
Trên lĩnh vực thủy sản ứng dụng nuôi tôm thẻ siêu thâm canh bằng bể tròn lót bạc khung thép tuần hoàn nước; nuôi trong ao lót bạc tuần hoàn nước; nuôi tôm 02 giai đoạn, 03 giai đoạn trong ao lót bạc… mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, trang bị các phao, điểm quan trắc - ứng dụng điện toán đám mây nhằm quan trắc có cảm biến đo độ mặn, nhiệt độ, pH tự động phục vụ trong nuôi thủy sản (đã ứng dụng hầu hết các trạm quan trắc môi trường phục vụ nuôi thủy sản của tỉnh). Các hoạt động tiếp cận nông nghiệp 4.0 khác đáng khích lệ, như ứng dụng phun thuốc bảo vệ thực vật qua máy bay không người lái; trồng màu (dưa lưới) trong nhà lưới khép kín hoàn toàn tự động từ khâu kiểm soát nhiệt độ, ẩm độ; pha thuốc và phun thuốc, tưới nước… theo chu kỳ sinh trưởng của cây.
Ứng dụng công nghệ sinh học để chọn lọc và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản theo hướng chất lượng, thích ứng với BĐKH; sản xuất các chế phẩm sinh học, bảo quản, chế biến nông sản; sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ.
PGS, TS Lâm Thái Hùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh cho biết: trong lĩnh vực cây trồng, nghiên cứu chọn tạo, phục tráng và phát triển các giống có năng suất tốt, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, hạn mặn đối với cây trồng chủ lực và một số loại cây trồng tiềm năng khác của địa phương theo định hướng xuất khẩu kết hợp với xây dựng thương hiệu. Vật nuôi, nghiên cứu chọn tạo giống theo hướng chất lượng, có giá trị cao, thích ứng với BĐKH và an toàn sinh học; phát triển công thức chế biến và sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp phục vụ phát triển chăn nuôi; sản xuất sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường chăn nuôi. Thủy sản, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới vào nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản; sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng, chế biển thủy hải sản gắn với liên kết ổn định đầu ra trên địa bàn tỉnh.
Biểu đồ: Diện tích ứng dụng nông nghiệp công nghệ 4.0 đến tháng 10/2021.
Nhà vườn Phan Văn Bảy, ấp Chông Nô 3, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè cho biết: gia đình có trên 02ha diện tích chuyên canh cây xoài, đã đầu tư gần 100 triệu đồng để trang bị hệ thống bơm tưới nước (phun sương) và phun, pha thuốc tự động thông qua thiết bị điều khiển từ xa. Trước đây, việc xử lý phân thuốc và tưới cây đều sử dụng lao động trực tiếp, nay đã giảm số lao động từ 04-05 người xuống còn 01 lao động. Trong quá trình vận hành máy, chỉ cần một người phụ trách để theo dõi, kiểm tra và xử lý khi máy có sự cố; toàn bộ đều do máy thực hiện từ khâu bơm tưới đến phun thuốc chủ động. |
Thông qua đó, lĩnh vực khoa học và công nghệ có các đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất lúa hữu cơ trong hệ thống canh tác lúa - tôm và phát triển mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm trên vùng cù lao huyện Châu Thành” đã xây dựng được mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn với diện tích chứng nhận hữu cơ quốc tế (EU, USDA và JAS) vào năm 2017 - 2018 khoảng 130ha… Về chăn nuôi, nghiên cứu xây dựng mô hình lai tạo và nuôi dưỡng bò lai hướng thịt tại huyện Trà Cú, giữa bò lai sind và các giống Red Angus, Red Brahman, Droughtmaster; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nuôi dê lai (Boer x Bách Thảo) tại tỉnh…
Cũng theo PGS, TS Lâm Thái Hùng: trong năm 2021 và thời gian tới, UBND tỉnh đang xem xét đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học - công nghệ liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như: “ứng dụng công nghệ blockchain để quản lý và truy xuất nguồn gốc cho một số cây trồng chủ lực của tỉnh Trà Vinh” như: lúa gạo, dừa sáp, bưởi da xanh, xoài. Đây là đề tài ứng dụng công nghệ mới có độ bảo mật cao, đảm bảo dữ liệu số hóa được áp dụng vào truy xuất nguồn gốc có độ tin cậy cao, giúp phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương trong bối cảnh truy xuất nguồn gốc được xem là điều kiện ràng buộc khi tham gia thị trường.
Đề tài “ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng khẩu phần và chế biến nguồn thức ăn tại chỗ cho bò thịt tại tỉnh”, nhằm giúp người dân ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng khẩu phần thức ăn cho bò dựa trên nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương, quy trình cho bò ăn được trợ giúp bởi hệ thống phần mềm và thiết bị, điều này sẽ tác động lớn đến hiệu quả chăn nuôi, năng suất lao động và đặc biệt hiệu quả đối với trang trại có số lượng bò lớn. Đề tài nằm trong khuôn khổ tăng mức độ tự động hóa trong nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, là một trong những lĩnh vực quan trọng của nông nghiệp 4.0.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.