03/05/2024 09:56
Anh Nguyễn Văn Tú cho cá ăn.
Anh Nguyễn Văn Tú cho biết: cá rô phi Na Uy chủ yếu nuôi ở vụ mùa mưa trên vùng đất nuôi tôm ở cánh đồng của xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang. Mô hình đã góp phần làm đa dạng con nuôi và nâng cao thu nhập cho người dân khi vào thời điểm mùa mưa, độ mặn giảm và không thích nghi với con tôm sú hay tôm thẻ chân trắng. Trong mùa mưa, người nuôi tôm ở đây thường kết hợp sản xuất 01 vụ lúa hoặc thả nuôi tôm càng xanh.
Hiện nay, mô hình nuôi cá rô phi Na Uy đã mở ra một hướng mới trong việc tận dụng các ao thả tôm để kết hợp nuôi 01 vụ cá. Đặc biệt trong quá trình nuôi cá rô phi Na Uy, nguồn nước trong ao cá được xử lý rất tốt (các chất thải từ nuôi tôm được cá rô phi xử lý, thành thức ăn cho cá…) còn giúp cho các hộ nuôi tôm sử dụng lại nguồn nước từ trong ao cá cung cấp trở lại cho các ao nuôi tôm.
Anh Nguyễn Quốc Cường, là một trong những hộ được tiếp cận mô hình nuôi cá rô phi Na Uy qua sự hỗ trợ của anh Nguyễn Văn Tú, chia sẻ: trong vụ nuôi năm 2024, gia đình mua 8.000 con giống cá rô phi Na Uy thả nuôi trên diện tích 0,2ha mặt nước từ ao nuôi tôm sú. Cá rô phi cho lợi nhuận từ 10.000 - 11.000 đồng/kg cá thương phẩm; cá nuôi rất phù hợp với mùa mưa (độ mặn từ 0 - 05‰, cá phát triển và tăng trọng nhanh). Lượng nước trong ao cá nuôi được gia đình tái sử dụng, cung cấp cho ao tôm nuôi rất tốt, việc xử lý nguồn nước này giảm chi phí hơn 80% so với lấy trực tiếp nguồn nước từ kênh rạch vào để xử lý.
Sau 04 tháng nuôi, cá rô phi Na Uy đạt trọng lượng bình quân 650 - 750gram/con là đủ điều kiện để thu hoạch và bán cho doanh nghiệp. Hiện giá thu mua theo thị trường từ 32.000 - 35.000 đồng/kg và mỗi ngày doanh nghiệp bắt từ 20 - 25 tấn cá/chuyến xe. Trong vụ nuôi cá đợt 02, gia đình anh Nguyễn Văn Tú thả 25.000 con cá giống/0,5ha mặt nước; tổng chi phí đầu tư khoảng 270 triệu đồng; trong đó, chi phí con giống 25 triệu đồng (1.000 đồng/con cá giống) và 230 triệu đồng chi phí thức ăn (giá thức ăn cá hiện nay 20.000 đồng/kg)...
Cũng theo anh Nguyễn Văn Tú, dự kiến sản lượng thu đạt khoảng 13 tấn cá thương phẩm, trừ chi phí lợi nhuận hơn 150 triệu đồng. Để đảm bảo cá phát triển tốt, mật độ thả phải thưa (khoảng 05 con/m2) và ao tôm chuyển sang nuôi cá phải có độ sâu của nước từ 1,2 - 1,5m; trong quá trình nuôi phải sử dụng quạt nước (thời gian 07 - 08 tiếng/ngày). Người nuôi cá có thể thả thêm tôm thẻ chân trắng để nuôi kết hợp; thời gian thả tôm trước 01 tháng khi thả cá. Quá trình nuôi cá, không phải bổ sung thức ăn cho tôm, tôm sẽ tận dụng nguồn phân thải từ cá; 02 vụ cá vừa qua, gia đình thả tôm nuôi xen (25.000 con thẻ giống), thu vào hơn 15 triệu đồng/vụ.
Hiện nay mô hình nuôi cá rô phi Na Uy ở cánh đồng của xã Hiệp Mỹ Đông có 04 hộ tham gia cùng với gia đình anh Nguyễn Văn Tú, với tổng diện tích hơn 2,5ha. Các hộ nuôi cá đang mong muốn được ngành nông nghiệp tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh hỗ trợ tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn trong chuyển giao mô hình mới, tập huấn khoa học - kỹ thuật... đồng thời xây dựng mô hình nhân rộng và thành lập tổ hợp tác liên kết trong nuôi cá...
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.