18/09/2021 14:56
Chúng tôi tìm đến hộ anh Kiều Văn Lẹ, ở ấp Xẻo Ranh, xã Long Hòa là một trong những người tiên phong trong việc chọn con dê làm vật nuôi chủ lực.
Năm 2014 với số vốn ít ỏi anh mua 01 cặp dê giống Boer lai ở Bến Tre về nuôi. Giống dê này có đặc tính lớn nhanh, chịu khí hậu nóng, kháng bệnh và ăn tạp. Con đực trưởng thành có thể cân nặng trên 100kg, con cái từ 80 - 90kg, tỷ lệ thịt cao hơn so với các loại dê khác; thức ăn cho dê là các loại lá cây, dây leo, cỏ tự nhiên. Với tinh thần chịu thương chịu khó, hằng ngày, vợ chồng anh đi tìm thức ăn và chăm sóc đàn dê. Anh Lẹ cho biết, dê tương đối dễ nuôi, kháng bệnh tốt, đầu ra ổn định, nhẹ công chăm sóc, thích hợp với người mới chăn nuôi vì vốn đầu tư ít”.
Dê Boer lai trung bình 02 năm sinh sản được 03 lứa, mỗi lứa từ 01-03 con. Dê nuôi khoảng 07 - 08 tháng thì đạt trọng lượng 35 - 40kg và có thể xuất bán. Thời điểm hiện tại giá dê hơi từ 120.000 - 140.000 đồng/kg, dê giống từ 160.000 - 180.000 đồng/kg, thương lái đến tận nhà thu mua.
Theo anh Lẹ, dê là loài động vật không ưa độ ẩm cao nên cần nuôi theo kiểu chuồng sàn. Chuồng được thiết kế cách mặt đất từ 60 - 80cm để tạo không gian thông thoáng, dễ vệ sinh; ngoài nguồn thu từ bán dê giống và dê thương phẩm, mỗi năm anh Lẹ còn thu được vài triệu đồng từ việc bán phân dê.
Với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi dê, để tránh việc phối giống cận huyết thống gây suy giảm chất lượng đàn dê, anh Lẹ luôn biết cách phân loại dê nái và dê đực giống, có sổ ghi chép cẩn thận để đảm bảo cho việc phối giống khi con non sinh ra có chất lượng. Hiện tại, chuồng dê nhà anh Lẹ có hơn 20 con, gồm 10 con dê nái, 03 con dê đực giống và hơn 10 dê thịt. Bên cạnh nuôi và bán dê thịt anh Lẹ còn làm thêm dịch vụ phối giống dê đực và bán dê giống cho những hộ lân cận trong và ngoài xã như Hòa Minh, Hưng Mỹ, Phước Hảo. Nhờ chí thú làm ăn, ham học hỏi, thu nhập từ chăn nuôi dê của gia đình anh Lẹ đạt hơn 80 triệu đồng/năm.
Anh Nguyễn Văn Giàu, ấp Xẻo Ranh, xã Long Hòa, huyện Châu Thành chăm sóc đàn dê.
Cùng ở ấp Xẻo Ranh có hộ Nguyễn Văn Giàu đã nuôi dê Boer lai hơn 04 năm, anh cũng mua dê giống từ anh Lẹ. Anh Giàu đầu tư chuồng trại bài bản, trồng nhiều cỏ… để chủ động cung cấp thức ăn cho dê. Hiện tại trong chuồng nuôi được 08 con và anh dự định tiếp tuc mở rộng quy mô chuồng trại để phát triển. Anh giàu bộc bạch: “Tôi mong các cấp lãnh đạo địa phương tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi dê, cách phòng bệnh để chúng tôi có được kiến thức áp dụng khoa học - kỹ thuật vào việc chăn nuôi sẽ mang lại hiệu quả cao hơn”.
Còn anh Huỳnh Thanh Lâm ở ấp Thôn Vạn, người cũng đã có thâm niên 06 năm chăn nuôi dê, anh Lâm cho biết: hiệu quả từ việc nuôi dê tuy không lớn nhưng nó ổn định và bền vững, có những lúc dê thịt rớt giá còn 70.000 - 80.000 đồng/kg nhưng chúng tôi vẫn có lãi, bởi vì vòng quay của con dê tương đối ngắn, sinh sản nhiều, thức ăn không tốn kém.
Với tập tính ăn lá cây, dây leo, cỏ các loại nên bà con nuôi dê tận dụng thức ăn sẵn có quanh năm, đến gần xuất chuồng vỗ béo thì mới thêm thức ăn viên để bổ sung chất đạm và tinh bột cho dê tăng trọng lượng.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dê, anh Lâm cho hay ngoài chọn giống có nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở uy tín, người chăn nuôi cần chú trọng đến khâu chăm sóc, đặc biệt là giai đoạn dê còn nhỏ, sức đề kháng yếu. Lúc này, cùng với việc bú sữa mẹ, dê con cần được bổ sung thêm sắt và vitamin. Khi dê con được 02 tháng tuổi, tôi tách khỏi dê mẹ. Sau đó, tôi phân dê sinh sản và dê thương phẩm vào hai dãy chuồng riêng biệt. Mỗi con dê được đánh số thứ tự để dễ theo dõi và có chế độ chăm sóc cho phù hợp.
Ngoài những nông hộ như anh Lẹ, anh Giàu, anh Lâm, xã Long Hòa còn có nhiều hộ chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình như anh Nguyễn Văn Mừng, anh Chung Văn Tài ở ấp Rạch Gốc, anh Phạm Văn Kỷ ở ấp Bà Tình, chị Lê Thị Luận ở ấp Xẻo Ranh…
Theo báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết năm 2020 của Đảng bộ xã Long Hòa, về chăn nuôi, trong đó tổng số đàn dê có 355 con, đạt 142% Nghị quyết. Còn chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết năm 2021 về chăn nuôi, trong đó tổng đàn dê là 400 con. Theo tình hình thực tế, với sự phát triển và đầu tư có chiều sâu của những nông hộ nuôi dê, chúng tôi tin rằng số lượng đàn dê toàn xã Long Hòa sẽ tăng lên và sẽ đạt đến vượt chỉ tiêu của Nghị quyết năm 2021 đề ra.
Bài, ảnh: PHẠM VĂN LUẬN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.