13/11/2024 16:58
Đại biểu tham dự hội nghị triển khai công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Lúa gạo hữu cơ Trà Vinh” .
Chiều ngày 13/11, tại xã Long Hòa, huyện Châu Thành; Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn và Thẩm định SPVALUE tổ chức hội nghị triển khai công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Lúa gạo hữu cơ Trà Vinh” cho nông dân 02 xã Long Hòa, Hòa Minh (huyện Châu Thành).
Nhãn hiệu chứng nhận “Lúa gạo hữu cơ Trà Vinh” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chấp nhận đơn hợp lệ theo Quyết định số 56999/QĐ-SHTT, ngày 27/7/2023.
Logo nhãn hiệu chứng nhận “Lúa gạo hữu cơ Trà Vinh”.
Nhãn hiệu chứng nhận “Lúa gạo hữu cơ Trà Vinh” gồm gạo hữu cơ và lúa hữu cơ được sản xuất, canh tác trên địa bàn huyện Châu Thành và đảm bảo đạt các tiêu chuẩn theo Bộ tiêu chí sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Lúa gạo hữu cơ Trà Vinh” (được ban hành kèm theo Quyết định số 22/QĐ-KTHT, ngày 22/6/2023 của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Châu Thành). Chủ sở hữu quản lý nhãn hiệu là Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Châu Thành.
Hàng năm, huyện Châu Thành có tổng diện tích sản xuất lúa khoảng 15.000ha/vụ (sản xuất 03 vụ/năm); một số địa phương trong huyện đã sản xuất lúa hữu cơ như xã Long Hòa và xã Hòa Minh; một phần xã Hưng Mỹ, Phước Hảo… khoảng 350ha; riêng 02 xã cù lao Long Hòa và xã Hòa Minh đã canh tác lúa hữu cơ từ năm 2015, đến năm 2024 đạt 126ha/135 hộ tham gia. Đến năm 2025, phấn đấu diện tích sản xuất lúa hữu cơ của Châu Thành đạt khoảng 1.000ha và năm 2030 là 1.500ha.
Cánh đồng lúa hữu cơ vụ thu - đông năm 2024 ở ấp Rạch Gốc, xã cù lao Long Hòa, huyện Châu Thành.
Ông Lê Tất Chiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Thẩm định SPVALUE cho biết: tại hội nghị nhằm giúp các đại biểu các ngành, địa phương và nông dân nắm bắt các quy định, quy trình sau khi tiếp nhận nhãn hiệu chứng nhận trong quá trình sử dụng, quảng bá nhãn hiệu cũng như việc vi phạm trong sử dụng nhãn hiệu chứng nhận…
Tin, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.