12/03/2024 15:46
Đồng chí Huỳnh Quang Sĩ, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hòa khảo sát mô hình nuôi lươn của gia đình bà Lâm Thị Ngọc Hường.
Xác định dân vận khéo là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, XDNTM gắn với đô thị văn minh. Với sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, phong trào thi đua dân vận khéo trong huyện đã tạo sức lan tỏa rộng khắp và có sức ảnh hưởng đến đời sống xã hội của người dân. Đến nay, Cầu Ngang triển khai, duy trì 98 mô hình theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong đó có 67 mô hình tập thể, 31 mô hình cá nhân trên các lĩnh vực. Các mô hình đã được các địa phương đăng ký triển khai thực hiện phân rõ 05 nhóm theo chỉ đạo của tỉnh.
Điển hình như nhóm mô hình cải cách thủ tục hành chính, đây là mô hình có ý nghĩa quan trọng trong dân vận xây dựng chính quyền nhằm từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gần gũi, thân thiện vì dân phục vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Nhóm mô hình về nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức; gương mẫu trong công tác phòng, chống tham nhũng, mô hình đã tạo được điểm nhấn trong công tác dân vận, nâng cao trách nhiệm, phong cách phục vụ Nhân dân, tạo được sự đồng thuận của Nhân dân trong tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính pháp, pháp luật của Nhà nước.
Ở lĩnh vực kinh tế, trong 98 mô hình có đến 66 mô hình phát triển kinh tế, như: mô hình “nuôi lươn không bùn”; “nuôi cua đinh thương phẩm”; “liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên cây bí đỏ”; “nuôi gà thả vườn kết hợp nuôi trùng quế”; “sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ”; “mượn đất cho hộ ĐVTN nghèo trồng màu”;… Mô hình nuôi lươn không bùn hiện nay đang phát triển mạnh trên địa bàn huyện, nhiều nhất ở xã Kim Hòa. Ưu điểm của mô hình này không đòi hỏi nhiều diện tích, giúp người nuôi tiết kiệm chi phí thức ăn, phù hợp với các hộ ít đất sản xuất. Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao ổn định, giúp hộ nuôi có thể làm thêm việc khác.
Điển hình như gia đình bà Lâm Thị Ngọc Hường, ấp Giữa, xã Kim Hòa từ khi chi phí thức ăn nuôi heo tăng cao, giá heo biến động, bà tận dụng chuồng trại nuôi heo thiết kế sang nuôi lươn mang lại hiệu quả ổn định. Với 04 ao nuôi lươn không bùn, bình quân thả nuôi 4.000 con/ao. Thời gian nuôi lươn kéo dài từ 08 - 12 tháng, nên nuôi xoay vòng, thu hoạch mỗi năm từ 02 - 03 đợt, bình quân chi phí nuôi lươn từ 80.000 - 90.000 đồng/kg, nếu lươn được giá từ 150.000 đồng/kg, lợi nhuận khá. Gần đây giá lươn sụt giảm dao động từ 110.000 - 130.000, nên lợi nhuận không cao. Do thời gian nuôi lươn kéo dài, nên bà tập trung sản xuất thêm 0,5ha lúa, tận dụng rơm rạ nuôi 02 con bò. Đồng thời kết hợp buôn bán thức ăn sáng thu nhập trên 100.000 đồng/ngày. Nhờ ứng dụng linh hoạt các phương án sản xuất nên đời sống kinh tế gia đình ngày càng ổn định.
Bên cạnh đó, mô hình dân vận trong vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được quan tâm, nhất là việc vận động người dân chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng màu, góp phần nâng thu nhập cải thiện kinh tế gia đình.
Bà Thạch Thị Long, ấp Sóc Giụp, xã Long Sơn từ khi chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng thâm canh 03 vụ màu/năm, mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cao, lợi nhuận đạt từ 08 - 10 triệu đồng/0,1ha/vụ. Bà Long cho biết: vụ màu đông - xuân năm nay, với 0,5ha đất trồng rẫy, trong đó bà trồng 0,3ha đậu phộng dưới chân ruộng, còn gần 1,5ha đất giồng cát trồng ớt chỉ thiên bán vào dịp Tết. Hiện nay ớt đang cho thu hoạch cổ 2, giá bán tăng lên 20.000 đồng/kg, lợi nhuận ước cuối vụ đạt 10 - 12 triệu đồng.
Mô hình dân vận trong phát triển kinh tế là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở đó, xã tập trung nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân.
Nổi bật mô hình chuyển đổi sản xuất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản của cánh đồng Năng và Trà Côn thuộc các ấp La Bang, Sơn Lang, Sóc Giụp, Long Hanh và Tân Lập; mô hình trồng màu trên đất giồng cát và đưa cây màu xuống chân ruộng của các ấp Ô Răng, Huyền Đức, Sóc Mới, Sóc Giụp và Bào Mốt. Trong đó chú trọng chủ lực là cây đậu phộng, dưa hấu và một số cây màu thực phẩm khác; mô hình nuôi heo thịt, bò vỗ béo, gà thịt sử dụng đệm lót sinh học; cùng với đó vận động thành lập nhiều mô hình tổ hợp tác kinh tế, hợp tác xã phát triển từng bước hoạt động có hiệu quả.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.