15/08/2022 05:19
Mô hình trồng lúa hữu cơ của nông dân huyện Cầu Ngang được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích nhân rộng.
Mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm, thu nhập của người dân nông thôn cao gấp 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm 1,5-2%/năm; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 70% xã nông thôn nâng cao, 40% xã nông thôn mới kiểu mẫu; 04/09 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trong đó, ít nhất 01 đơn vị cấp huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu; tỉnh phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về vai trò nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới; trong đó, chú trọng cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Tỉnh chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao; chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển các công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, vùng khó khăn về nước tưới, vùng sản xuất công nghệ cao. Đồng thời ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông nội đồng, kết nối với các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn với đường tỉnh lộ để thúc đầy liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; phát triển hạ tầng phục vụ chuỗi bảo quản nông sản lạnh, vận chuyển nông sản tươi sống, bảo quản chế sau thu hoạch, nhất là kho dự trữ, bảo quản, kho lạnh, kho chứa lương thực, thực phẩm.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm; thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ số, quản lý chuỗi cung ứng nông sản ứng dụng công nghệ, mã hóa tất cả dữ liệu… Địa phương cũng nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động trẻ nông thôn; chuyển giao nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo; khuyến khích nông dân tham gia hợp tác xã, phát triển hợp tác xã thành tác nhân kinh tế quan trọng trong sản xuất và tiêu thụ, kết nối các thành phần trong chuỗi giá trị, đặc biệt là kết nối với doanh nghiệp.
Cùng với việc thực hiện đồng bộ các chính sách của Trung ương và tỉnh hỗ trợ nông dân về nguồn vốn, mua sắm máy móc, tích tụ đất đai, áp dụng công nghệ tiến tiến, tiếp cận thị trường… Địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính để huy động các nguồn lực đầu tư vào kinh tế nông nghiệp.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang cho biết, giai đoạn này, tỉnh Trà Vinh hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của từng tiểu vùng theo 3 nhóm: nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm chủ lực đặc sản địa phương.
Ở lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi và đổi mới cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế từng địa phương và nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng đến xuất khẩu, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ổn định, quy mô lớn. Trà Vinh ưu tiên phát triển các cây trồng có lợi thế và nhu cầu lớn như cầy dừa, cây ăn trái, lúa gạo chất lượng cao và một số hoa màu… Đối với chăn nuôi, tỉnh cũng tập trung phát triển vật nuôi tiềm năng, có thị trường tiêu thụ ổn định, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh; khuyến khích phát triển chăn nuôi công nghiệp áp dụng công nghệ cao.
Về thủy sản, tỉnh phát triển thành ngành sản xuất trọng điểm đảm bảo nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu. Đối với ngành nuôi trồng thủy sản, tỉnh phát triển theo hướng tập trung, công nghiệp, công nghệ hiện đại hoặc công nghệ cải tiến, nuôi hữu cơ. Tỉnh cũng phát triển khai thác vùng khơi hiệu quả và bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác, cân đối với trữ lượng nguồn lợi thủy sản, tái bố trí sinh kế của cộng đồng ngư dân sang phát triển nuôi trồng, chế biến, làm dịch vụ du lịch…
Bài, ảnh: THANH HÒA
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.