02/03/2021 07:53
Theo đó, tỉnh phát triển nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện sinh thái, xu hướng tác động của biến đổi khí hậu, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Phát triển ngành tôm (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) và cá tra thành ngành sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, định hướng xuất khẩu. Đồng thời, phát triển đa dạng đối tượng nuôi thủy sản mặn lợ và nước ngọt có lợi thế như tôm càng xanh, cua biển, nghêu, cá lóc, vọp, sò huyết và nuôi thủy sản lồng bè trên sông, trên biển như hàu, các loại cá nước ngọt, nước mặn…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng mời gọi các doanh nghiệp đầu tư ở lĩnh vực này, tập trung cho chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản chế biến, áp dụng hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP, SSOP; sản xuất và cung ứng giống tôm, cá tra chất lượng cao cho thị trường; phát triển hệ thống kho chứa, bảo quản, sơ chế và các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vùng sản xuất.
Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản hoặc trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản… Để việc chuyển đổi đảm bảo hiệu quả bền vững, ngành vận động nông dân tham gia các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã để sản xuất hàng hóa tập trung để mở rộng thị trường tiêu thụ và dễ tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Cùng với đó, các sở, ngành liên quan, các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm…
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, tình hình biến đổi khí hậu nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng xảy ra thường xuyên, dẫn đến nhiều diện tích trồng lúa trong tỉnh không hiệu quả. Vì vậy, ngành nông nghiệp xây dựng rất nhiều mô hình để thích ứng với từng vùng. Đối với những vùng có độ mặn cao hơn 02‰ thì khuyến khích nông dân chỉ sản xuất 1 vụ lúa, luân canh nuôi thủy sản, hoặc một số cây trồng thích hợp… Vùng có tỷ lệ nhiễm mặn thấp hơn 02‰, ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân thực hiện các mô hình nuôi xen canh giữa thủy sản với lúa. Đây là những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Đầu tư xây dựng cống nội đồng
Giai đoạn 2021-2024, tỉnh Trà Vinh đầu tư hơn 358 tỷ đồng xây dựng 34 cống nội đồng trên địa bàn tỉnh; trong đó, ngân sách Trung ương 323 tỷ đồng, số tiền còn lại ngân sách tỉnh đối ứng. Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh làm chủ đầu tư. Các cống được xây dựng trên địa bàn 06 huyện: Châu Thành, Càng Long, Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Duyên Hải.
Theo đó, quy mô xây dựng các cống điều tiết gồm 4 cống B=10m, 3 cống B=7,5m, 20 cống B=6m, 2 cống B=5m, 3 cống B=4m, 2 cống B=3m. Các cống bằng bê tông cốt thép M300, gia cố thượng hạ lưu bằng thảm đá, rọ đá; cửa van bằng thép, vận hành thẳng đứng hoặc trục vít me. Riêng cống B=10m bố trí giàn kéo van trong thân cống và ngoài thân cống, các cống còn lại chỉ bố trí giàn kéo van trong thân cống. Ngoài ra, Dự án còn xây dựng các cầu giao thông trên cống.
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, toàn tỉnh hiện có 50 cống điều tiết nước loại lớn nằm dọc Sông Hậu và Sông Tiền tạo thành đê bao thuộc dự án Nam Măng Thít. Tuy nhiên những năm gần đây, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, mặn thường xuyên xâm nhập sớm vào nội đồng tỉnh Trà Vinh vào mùa khô nên từ tháng 12, các cống này thường phải đóng kín để ngăn mặn. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp mùa khô gặp nhiều khó khăn do thiếu nước tưới.
Dự án xây dựng 34 cống nội đồng hoàn thành sẽ giúp các địa phương chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng hiện có trong vùng, tạo tiền đề thuận lợi để tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển bền vững theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, dự án giúp phát triển hạ tầng giao thông thủy bộ phục vụ vận chuyển nông sản hàng hóa, góp phần giảm chi phí sản xuất và tăng thêm lợi nhuận cho người dân.
THANH HÒA
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.