05/03/2021 08:33
Lực lượng thú y huyện Châu Thành thực hiện phun xịt, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi ở xã Mỹ Chánh.
Theo ông Ngô Đức Thạnh, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trước tình hình dịch bệnh diễn biến như hiện nay, ngành chuyên môn đã tập trung ra quân triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, chăn nuôi, thủy sản và cây lâm nghiệp năm 2021. Tăng cường cử cán bộ thú y xuống địa bàn cùng địa phương tuyên truyền cho người chăn nuôi thực hiện tái đàn, nuôi mới… 02 tháng đầu năm 2021, ngành chuyên môn đã triển khai tiêm phòng LMLM đối với gia súc (GS) dập dịch của huyện Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành… được 29.558 con GS với 29.555 liều vắc-xin của 6.538 hộ (tăng 137% so cùng kỳ 2020); trong này thực hiện tiêm phòng miễn phí được gần 20.000 con GS; tiêm phòng xã hội hóa trên 9.500 con GS. Phòng, chống bệnh cúm gia cầm (GC), đã vận động người dân thực hiện tiêm phòng được 216.150 con GC với 238.100 liều vắc-xin, tăng 107.080 con (tăng 98% so cùng kỳ 2020).
Mặc dù ngành chuyên môn và chính quyền địa phương thực hiện tích cực công tác vận động, tuyên truyền người dân đăng ký trong việc tái đàn và nuôi mới, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh… nhưng thực tế hiện nay do chạy theo kinh tế trước “sức hút” của con heo, nhiều hộ bỏ qua khuyến cáo với dịch bệnh để tái đàn và nuôi mới khi điều kiện chăn nuôi chưa đảm bảo.
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trong 02 tháng đầu năm 2021, đối với bệnh LMLM trên đàn bò, với tổng đàn mắc bệnh 14 con (đã chết 01 con bê) tại 03 hộ chăn nuôi ở ấp Vàm Bến Tranh (xã Định An, huyện Trà Cú) và Khóm 10 (Phường 7, thành phố Trà Vinh). Bên cạnh đó, tình hình bò bệnh và chết do nghi bệnh LMLM còn xuất hiện tại 61 hộ chăn nuôi của 03 xã (Mỹ Chánh, Nguyệt Hóa và Thanh Mỹ huyện Châu Thành); tổng đàn 271 con bò, mắc bệnh 271 con, chết 38 con (khoảng thời gian từ ngày 17 - 27/01/2021). Đối với bệnh DTLCP đã xuất hiện trên tổng đàn 113 con (mắc bệnh 94 con, chết 07 con) tại 03 hộ chăn nuôi ở xã Song Lộc và xã Mỹ Chánh của huyện Châu Thành... |
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Võ Văn Hùm, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Châu Thành chia sẻ: đối với lực lượng thú y hiện nay rất mỏng, chỉ phối hợp với địa phương trong khâu tuyên truyền với người dân là chính. Còn giám sát, kiểm tra và quản lý từng hộ nuôi heo khi tái đàn hay nuôi mới đòi hỏi ý thức của người chăn nuôi và hội đoàn thể cơ sở cùng tham gia mới hiệu quả. Trong 02 hộ nuôi có heo vừa xảy ra bệnh DTLCP ở Mỹ Chánh và Song Lộc đều là các hộ có heo nuôi đã bị bệnh DTLCP trước đó; việc tái đàn của các hộ trên không đăng ký với ngành chuyên môn, tự phát.
Còn tại huyện Cầu Kè, với trên 600.000 con GC nhưng tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt 5,8%; về thực hiện tiêm phòng LMLM được 312 con bò (tổng đàn bò 18.200 con) và 369 con heo (tổng đàn heo 10.987 con). Trao đổi với chúng tôi, bà Sử Thanh Trúc, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cầu Kè cho biết: từ khi thực hiện xã hội hóa công tác tiêm phòng, nên tỷ lệ tiêm phòng của người chăn nuôi GS và GC rất thấp, đặc biệt là ở những đối tượng nuôi nhỏ lẻ; cùng với đó ý thức của người nuôi chưa cao, còn trông chờ vào sự hỗ trợ (vắc-xin) từ Nhà nước. Đối với các hộ nuôi gia công cho các công ty, doanh nghiệp chăn nuôi tuân thủ rất tốt việc phòng, chống dịch bệnh và tiêm phòng vắc-xin. Đây là một trong những nguyên nhân để dịch bệnh phát triển và gây thiệt hại cho người nuôi. Hiện nay, thông qua cán bộ thú y phối hợp với địa phương chủ yếu tập trung tuyên truyền, vận động người nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên GS, GC; việc tiến hành xử lý trong chăn nuôi ở hộ dân không thực hiện đúng quy định về Luật Thú y hiện vô cùng khó khăn.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.