03/03/2022 12:43
Mặc dù ngành nông nghiệp và các địa phương đã tích cực triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh DTHCP, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát…
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chia sẻ: bệnh DTHCP đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh; các vật thể trung gian (chuột, gián; nguồn nước, thức ăn dư thừa trong sinh hoạt gia đình; quần áo bảo hộ trong chăn nuôi…) là những nguồn khó kiểm soát trong việc đưa vi-rút DTHCP xâm nhập từ bên ngoài vào nơi chăn nuôi. Ngành nông nghiệp kêu gọi cộng đồng chung tay phòng, chống bệnh DTHCP và thực hiện “05 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo mắc bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ heo mắc bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để chăn nuôi heo) và các hình thức chăn nuôi phải áp dụng theo hướng an toàn sinh học (chăn nuôi trang trại, quy mô lớn, hộ gia đình…).
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác quản lý dịch bệnh hiện nay, ông Diêu Thanh Tùng, Chủ tịch UBND thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè cho biết: đối với khu vực thị trấn, số hộ nuôi heo rất ít, nhưng việc tiêu thụ và trao đổi, mua bán heo trên địa bàn rất lớn. Công tác quản lý giết mổ, vận chuyển gia súc (đặc biệt là heo) được quản lý và kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ các quy định của ngành thú y. Tuy nhiên, xung quanh thị trấn, việc các hộ bày bán thịt heo nhỏ lẻ lại không được kiểm soát, không rõ nguồn gốc… nên nguy cơ tiềm ẩn về mầm bệnh DTHCP rất lớn, có khả năng làm lây lan cho các hộ chăn nuôi heo. Do đó, cần có sự đồng bộ trong phối hợp thực hiện quản lý và giám sát các hộ giết mổ, bán quầy thịt và lưu thông sản phẩm thịt tại các địa bàn giáp ranh…
Ông Trần Văn Đực, chủ trang trại nuôi heo an toàn sinh học tại ấp La Bang, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang cho biết: mầm bệnh DTHCP xuất hiện và lây truyền phần lớn ngoài cộng đồng, nhất là từ những người trong gia đình, phụ phẩm trong thức ăn dư thừa; gián, chuột… sẽ theo người từ ngoài mang vào chuồng trại chăn nuôi. Đối với các hộ chăn nuôi heo trang trại hay quy mô lớn, quản lý rất chặt về mầm bệnh trong khu vực chăn nuôi của mình. Nhưng các hộ nuôi heo nhỏ lẻ, khi heo bệnh hoặc chưa mắc bệnh nếu có mầm bệnh lây vào, thường vận chuyển, giết mổ hay mua bán thịt (đã mang mầm bệnh DTHCP) vào khu vực chưa xảy ra dịch bệnh là rất nguy hiểm.
Ông Trần Văn Đực kiểm tra, giám sát đàn heo nái được nuôi tách biệt với heo thịt, để đảm bảo an toàn nguồn heo giống trước tình hình bệnh DTHCP như hiện nay.
Ghi nhận tại buổi kiểm tra của Sở NN-PTNT Trà Vinh với 02 địa phương có tổng đàn heo lớn nhất của tỉnh là huyện Càng Long (tổng đàn 49.378 con, chiếm 20,38%/tổng đàn heo của tỉnh) và Cầu Kè (61.450 con, chiếm 25,37%/tổng đàn heo của tỉnh), trong đó có trên 80% là nuôi nhỏ lẻ, phân tán.
Ông Mai Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè cho biết: hiện nay, khi heo bệnh cùng với đó việc khai báo chậm và lo sợ việc tiêu hủy hết đàn heo, nên người nuôi thường giấu dịch và vứt xác heo trên các kênh rạch; nhất là trên tuyến kênh Tổng Tồn (giáp ranh các xã Tân An, huyện Càng Long và xã Thông Hòa, Thành Phú… huyện Cầu Kè). Nên địa phương rất khó xác định nguồn gốc heo chết thả trôi sông, từ đó làm nguy cơ mầm bệnh lây lan rất lớn.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả việc ngăn chặn dịch bệnh trên đàn gia súc, đặc biệt là bệnh DTHCP, ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay đòi hỏi vai trò của cộng đồng là rất quan trọng; lực lượng và đội ngũ thú y của ngành nông nghiệp sẽ khó đảm nhận đến từng ấp, khóm. Do đó, các cấp chính quyền và các đoàn thể cần tuyên truyền tích cực hơn đến với người nuôi về diễn biến tình hình bệnh DTHCP để người dân không hoang mang và chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời; hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi khi dịch bệnh xảy ra. Các địa phương cần vào cuộc quyết liệt trong việc phối hợp cùng ngành thú y kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển heo, sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc.
Đối với Chi cục Thú y phải cùng địa phương kịp thời xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để ổ dịch mới tại các huyện đang có bệnh DTHCP; chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành vi-rút DTHCP tại các địa bàn có nguy cơ cao để phát hiện mầm bệnh lưu hành trên đàn heo.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.