07/08/2022 07:15
Thu hoạch rau nhút tại Tổ hợp tác trồng rau nhút Ấp 1, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè.
Ấp 1 là ấp có diện tích sản xuất đất nông nghiệp lớn nhất của xã Phong Thạnh; cây lúa là cây chủ lực của ấp (chiếm hơn 70% diện tích). Năm 2017, việc sản xuất lúa tại các vùng đất trũng hiệu quả không cao, thường gặp khó khăn trong gieo trồng… Từ thực tế trên, Hội LHPN xã đã chủ động vận động các hội viên (hộ có trồng rau nhút) tham gia mô hình Dân vận khéo “Trồng rau nhút trên ruộng”.
Theo bà Huỳnh Thị Diễm My, Chủ tịch Hội LHPN xã Phong Thạnh: năm 2017, mô hình được Hội triển khai thực hiện thí điểm ban đầu với diện tích 6.500m2, có 02 hộ hội viên tham gia. Qua hơn 02 tháng triển khai thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, Hội đã mạnh dạn triển khai và vận động hội viên có đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng rau nhút. Qua vận động, có 11 hội viên đăng ký tham gia và thành lập mô hình “Tổ phụ nữ trồng rau nhút trên ruộng”, với diện tích 2,3ha, Hội tạo điều kiện cho các thành viên trong tổ vay vốn (92 triệu đồng) từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn giúp nhau trong Hội... để các thành viên đầu tư mua vật tư nông nghiệp, phục vụ chăm sóc và mở rộng diện tích.
Chị Ngô Thị Thắm, Ấp 1, xã Phong Thạnh cho biết: trước đây, gia đình thuộc hộ nghèo, từ khi chuyển sang mô hình trồng rau nhút trên đất ruộng kém hiệu quả, đến nay cuộc sống gia đình đã ổn định. Lúc đầu được nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển hỗ trợ 12 triệu đồng, số tiền trên được gia đình đầu tư cải tạo mặt ruộng và mua phân bón, rau nhút giống về trồng. Hiện nay, gia đình thu nhập khoảng 01 triệu đồng/ngày từ việc bán rau nhút và thời gian kéo dài 10 - 12 ngày/tháng.
Từ hiệu quả của mô hình “Dân vận khéo” của Hội LHPN xã, đến năm 2019, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Thạnh Phú tiếp tục nhân rộng và đưa mô hình “Trồng rau nhút trên ruộng” vào Tổ hội nghề nghiệp của Hội Nông dân để cùng tham gia hỗ trợ phát triển kinh tế cho nông dân trên địa bàn, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang thực hiện mô hình “Trồng rau nhút trên ruộng”. Từ số lượng thành viên ban đầu khi mới thành lập là 11 (với diện tích 2,3ha), đến nay, tổng số thành viên tham gia tăng lên 48 hộ, với diện tích là gần 20ha. Hiện nay, thu nhập bình quân của các thành viên trong Tổ hợp tác “Trồng rau nhút trên ruộng” đạt từ 30 - 35 triệu đồng/ha/tháng.
Anh Sơn Hoàng Thanh, thành viên Tổ hợp tác “Trồng rau nhút trên ruộng” cho biết: trước đây gia đình thuộc diện hộ nghèo, chỉ có gần 0,2ha đất lúa. Từ khi được Hội LHPN, Hội Nông dân xã vận động hỗ trợ chuyển đổi qua trồng rau nhút, gia đình đã có nguồn thu nhập khá ổn định và đã thoát nghèo vào năm 2020.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nhớ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Thạnh chia sẻ: từ thành công của mô hình, hiện đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp của địa phương và người dân trong xã. Mô hình đã phát triển sang các ấp lân cận trên địa bàn và xã Long Thới (huyện Tiểu Cần).
Tại Ấp 1, nơi thực hiện mô hình, trong năm 2022 tiếp tục mở rộng diện tích thêm khoảng 05ha. Ngoài việc thực hiện mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, thông qua đó, các thành viên trong tổ còn tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước. Đặc biệt, trong thành viên của tổ còn tham gia giúp cho 05 hộ trong tổ thoát nghèo và giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động của địa phương.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.