08/02/2021 14:02
Bà Trần Thị Kim Chung tham quan sản phẩm trưng bày của các huyện nhân dịp Lễ hội Cúng biển Mỹ Long năm 2020 tại thị trấn Mỹ Long.
Theo kế hoạch, năm 2020, huyện xây dựng 02 xã Mỹ Hòa và Hiệp Hòa đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); xây dựng 03 xã Mỹ Long Bắc, Hiệp Mỹ Đông, Mỹ Long Nam đạt chuẩn NTM nâng cao; các xã còn lại không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí. Hiện huyện có 06/13 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, gồm: Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Đông, Mỹ Long Bắc, Vinh Kim, Hiệp Mỹ Tây và Kim Hòa; các xã còn lại đạt từ 10 - 14 tiêu chí.
Để đảm bảo xây dựng đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2022, trong năm 2021, huyện tập trung tuyên truyền, quán triệt, triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong toàn huyện, tạo hiệu ứng lan tỏa ra cộng đồng và toàn xã hội. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân trong quá trình triển khai thực hiện, giám sát hoạt động, đánh giá tiêu chí. Vận động, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã đăng ký hoàn thành XDNTM theo kế hoạch hàng năm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong XDNTM, kịp thời báo cáo đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, huyện quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế thừa; chọn nguồn cán bộ trẻ có triển vọng để đào tạo. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, nêu cao tinh thần phục vụ Nhân dân.
Song song công tác XDNTM, huyện tập trung phát triển ngành nuôi thủy sản nước lợ thành ngành kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch, hữu cơ đối với cây lúa, cây màu. Đây là tiềm năng kinh tế của huyện, góp phần thúc đẩy nhanh lộ trình XDNTM trên địa bàn huyện. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dự kiến ứng dụng trên cây màu như đậu phộng, dưa hấu, ớt chỉ thiên, rau ăn lá và một số cây màu có giá trị kinh tế khác, bố trí tại khu vực chuyên màu, tận dụng các bờ ao nuôi tôm tập trung ở các xã Long Sơn, Mỹ Long Bắc, Nhị Trường, Hiệp Hòa… vùng sản xuất lúa hữu cơ, bố trí tại tiểu vùng II, gồm các xã Kim Hòa, Vinh Kim, Mỹ Hòa, Hiệp Hòa... vùng sản xuất cây ăn trái như xoài cát Hòa lộc theo hướng GlobalGAP xã Long Sơn.
Mô hình trồng ổi kết hợp chanh không hạt đầu tiên trên 0,5ha đất lúa ở vụ thu đông - mùa 2020 của nông dân Giáp Văn Ghi, ấp Giồng Lớn, xã Vinh Kim nhằm thích ứng biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, quan tâm triển khai thực hiện đầu tư vốn vay, hỗ trợ tư liệu sản xuất, tạo việc làm để thoát nghèo. Hướng dẫn hộ nghèo, cận nghèo chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, tham gia các mô hình sản xuất có hiệu quả, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện sản xuất để tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện tốt các mô hình hỗ trợ người dân thoát nghèo có hiệu quả bằng các mô hình “02 hộ giàu giúp 01 hộ nghèo”, hay mỗi chi bộ, mỗi đoàn thể giúp 01 hộ thoát nghèo. Đẩy mạnh công tác đào tạo, hỗ trợ tìm kiếm, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho lao động nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo bà Trần Thị Kim Chung, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cầu Ngang lần thứ XII đã đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó có các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đưa Cầu Ngang trở thành địa phương phát triển trung bình khá của tỉnh. Để thực hiện đạt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đã đề ra, trong năm 2021, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: (1) Lĩnh vực kinh tế: huyện tập trung chỉ đạo chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy về phát triển ngành nuôi thủy sản nước lợ thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Đẩy mạnh sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch, hữu cơ đối với cây lúa, cây màu. Quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; phát triển đa dạng các loại hình thương mại - dịch vụ. Xây dựng và triển khai thực hiện dự án kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, lấy du lịch sinh thái biển Mỹ Long làm trung tâm để góp phần phát triển kinh tế của huyện. (2) XDNTM: huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM; xây dựng thêm ít nhất 03 xã NTM, 02 xã NTM nâng cao, 01 xã NTM kiểu mẫu, quyết tâm xây dựng huyện Cầu Ngang thành huyện NTM vào năm 2022. (3) Lĩnh vực văn hóa - xã hội: huy động các nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, xem đây là giải pháp hữu hiệu trong thực hiện công tác giảm nghèo của huyện. Đồng thời, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công, chính sách an sinh xã hội. (4) Lĩnh vực an ninh - quốc phòng: thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Xây dựng lực lượng quân sự và công an trên địa bàn huyện vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. (5) Công tác xây dựng hệ thống chính trị: tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng. Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị của huyện đến năm 2025. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. |
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.