25/01/2023 06:19
Lão nông Nguyễn Văn Xem kiểm tra quá trình sinh trưởng của lúa.
Xã Long Hòa nằm giữa dòng sông Cổ Chiên, hàng năm chịu tác động của 02 mùa nước mặn và nước ngọt, kinh tế mũi nhọn của xã là trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, từ năm 2010, nông dân Long Hòa bắt đầu sản xuất lúa kết hợp nuôi thủy sản theo hướng hữu cơ. Vài năm trở lại đây, được sự quan tâm về liên kết, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật của các cấp, các ngành và địa phương nên mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ của Long Hòa đã có hướng phát triển và dần đi vào ổn định.
Gia đình ông Nguyễn Văn Ru, ấp Rạch Sâu, xã Long Hòa trồng 3,5ha lúa ST-25 theo hướng hữu cơ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với HTX Nông nghiệp Thương mại, sản xuất dịch vụ Châu Hưng.
Ông Ru chia sẻ: năm 2021 tôi trồng 02ha lúa hữu cơ, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm nên vụ lúa năm 2022 tôi mở rộng thêm 01ha. Nhờ tuân thủ đúng quy trình sản xuất và thời tiết thuận lợi nên lúa năm nay phát triển tốt, theo đà này có thể đạt trên 05 tấn/ha.
Đến thăm ruộng lúa của ông Nguyễn Văn Đệ, ấp Rạch Sâu, xã Long Hòa, ông Đệ đang chuẩn bị rạn tôm (phân loại tôm trong quá trình nuôi) trên mô hình tôm - lúa của gia đình. Vụ lúa thu - đông mùa năm nay, ông Đệ gieo trồng 1,5ha lúa giống ST-25 theo hướng hữu cơ kết hợp thả nuôi tôm càng xanh. Ruộng lúa gia đình ông Đệ đang trong giai đoạn ngậm sữa, hạt hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Theo ông Đệ, trồng lúa hữu cơ phải tuân thủ các quy định về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng những loại phân, thuốc được cho phép; không sử dụng phân, thuốc hóa học vào ruộng lúa. Nếu không tuân thủ theo quy trình sản xuất thì đơn vị bao tiêu sẽ không thu mua sản phẩm.
Cũng tại ấp Rạch Sâu, lão nông Nguyễn Văn Xem đang chăm sóc ruộng lúa hữu cơ trong giao đoạn đồng trổ. Vụ thu - đông mùa năm nay, ông Xem gieo trồng 2,7ha giống lúa ST-25 kết hợp với nuôi tôm càng xanh. Nhìn trà lúa xanh tốt, ông Xem phấn khởi: vụ trước tôi gieo trồng 1,7ha, thấy trồng lúa hữu cơ ít tốn công chăm sóc, năng suất đạt khá, cho lợi nhuận cao nên năm nay tôi tăng thêm 01ha. Nếu thời tiết ổn định, trà lúa này thu hoạch không dưới 05tấn/ha.
Xã Long Hòa hiện có trên 100ha đất được nông dân trồng lúa theo hướng hữu cơ có sự liên kết bao tiêu sản phẩm của 03 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Công ty TNHH Minh Trung (Thành phố Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Thiên Sinh (Bình Dương) và HTX nông nghiệp thương mại, sản xuất dịch vụ Châu Hưng (xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành). Theo đó, các doanh nghiệp ký kết hợp đồng cung cấp giống lúa, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ sinh học cho nông dân, đồng thời các doanh nghiệp, HTX sẽ bao tiêu sản phẩm lúa của nông dân với giá cả hợp lý.
Theo cách tính của người dân Long Hòa, mỗi héc-ta đất ở đây chỉ có diện tích khoảng 7.500m²; nếu mỗi héc-ta ở đây đạt năng suất 05 tấn thì mỗi héc-ta (10.000m²) sẽ cho năng suất trên 6,6 tấn. Như vậy, mới thấy, mặc dù sản xuất theo hướng hữu cơ nhưng năng suất lúa ở Long Hòa vẫn đạt cao, cộng thêm giá bán được bao tiêu ở mức cao từ 10.000 đồng/kg trở lên nên lợi nhuận của người trồng lúa hữu cơ ở Long Hòa luôn ở mức cao và ổn định. Nông dân đã làm chủ được vùng đất, nắm vững quy trình sản xuất và trình độ áp dụng các tiến bộ vào sản xuất.
Ông La Quốc Yên, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp thương mại, sản xuất dịch vụ Châu Hưng cho biết: HTX đang hợp đồng cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và bao tiêu sản phẩm với diện tích trên 20ha. Giống lúa được chọn là ST-25, vì giống lúa này có phẩm chất gạo ngon, phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã Long Hòa. Sản phẩm gạo hữu cơ từ Long Hòa được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận, mặc dù nhu cầu của thị trường rất lớn nhưng do quy mô sản xuất, kinh doanh của HTX có phần còn hạn chế nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Hướng tới, HTX sẽ tăng cường ký kết, mở rộng diện tích sản xuất với nông dân để tăng sản lượng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
Mô hình sản xuất lúa của nông dân xã Long Hòa.
Trồng lúa hữu cơ hướng đến một nền nông nghiệp xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu là hướng đi bền vững được nông dân Long Hòa áp dụng và mang lại hiệu quả. Các sản phẩm từ lúa, tôm của nông dân Long Hòa luôn được thị trường đón nhận. Sản xuất lúa hữu cơ có liên kết bao tiêu sản phẩm ở Long Hòa nói riêng và các địa phương khác trong tỉnh nói chung đang là hướng đi phù hợp mang lại lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp.
Bài, ảnh: THANH NHÃ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.