13/05/2021 18:34
Vào mùa mưa, các cây dây leo họ bầu, bí trồng trên ruộng lúa rất dễ bị úng nếu hệ thống thoát nước không đảm bảo.
Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, phần lớn các diện tích màu như dưa hấu, bí đỏ xuống giống dưới chân ruộng (vụ màu đông - xuân) ở các huyện Cầu Ngang và Duyên Hải sẽ gặp bất lợi khi mưa đầu mùa, do phần lớn các diện tích ruộng trồng màu thường trũng, hệ thống thoát nước chậm… đến cuối tháng 4/2021 toàn tỉnh xuống giống trên 26.404ha màu, chủ yếu là bắp 2.104ha, khoai lang 275,8ha, khoai mì 268ha, cây có bột khác 175ha; rau các loại 15.000ha, đậu phộng 3.500ha… diện tích thu hoạch 16.000ha; lúa hè - thu năm 2021 đã xuống giống 12.789ha, đạt 17,28% kế hoạch; lúa đông -xuân đã thu hoạch 56.080ha, chiếm 93,88% diện tích xuống giống, năng suất trung bình 6,6 tấn/ha (cao hơn cùng kỳ 1,72 tấn/ha).
Theo ông Trang Tửng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: hiện nay đã vào mùa mưa, đối với một số cây trồng như cây ăn trái và sản xuất lúa rất thuận lợi để nông dân tập trung xử lý và hồi phục dinh dưỡng cho cây; là thời điểm để lấy nước ngọt và tiêu xổ phèn nội đồng để phục vụ cho sản xuất và dân sinh. Tuy nhiên, đây cũng là những bất lợi cho một số cây màu hiện đang trong giai đoạn ra hoa, trái rất dễ bị ảnh hưởng như trên cây bắp và dưa hấu. Thời gian chịu úng của 02 cây màu này khoảng 01 ngày, nếu nền đất không thoát nước tốt và bị ngập sẽ gây chết cây. Do đó, nông dân cần tập trung tốt việc ứng phó ngập úng cục bộ, khai thông đường thoát nước vì phần lớn diện tích màu ở vụ đông - xuân thường được sản xuất dưới chân ruộng, vùng trũng….
Ghi nhận về những bất lợi do ảnh hưởng của mưa đầu mùa trên cây màu ở huyện Cầu Ngang, đây là địa phương phát triển rất mạnh mô hình trồng màu mùa khô (màu đông - xuân) dưới chân ruộng. Tại xã Mỹ Long Bắc, thời điểm tháng 4/2021, các diện tích màu được nông dân tập trung trồng nhiều là dưa hấu và bắp, ở các ấp Hạnh Mỹ, Bến Kinh, Bến Cát…
Theo ông Trần Minh Yên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang, do phần lớn diện tích màu trồng dưới chân ruộng và phía trong đê bao, khu vực này trũng nên những đợt mưa như vừa qua đã gây ngập úng nên việc thoát nước tại các ruộng màu rất khó. Qua đó, đã có khoảng 203ha bí, dưa hấu bị ngập úng và tỷ lệ thiệt hại từ 80-90%; nhiều nông dân phải thu hoạch sớm và bỏ vụ.
Còn tại huyện Cầu Kè, nhiều nhà vườn phấn khởi do hiện nay phần lớn diện tích măng cụt, chôm chôm đang vào vụ cho trái. Tuy nhiên, trong thời gian dài (từ giữa tháng 02 đến giữa tháng 4/2021) không tiếp được nước ngọt để bơm lên vườn cây ăn trái, làm cho cây bị giảm phát triển và việc bón phân cho cây cũng gặp khó. Những đợt mưa đầu mùa đã giúp cho cây nhanh chóng hồi phục và nhà vườn bắt tay vào chăm sóc cây giai đoạn cho trái.
Nhà vườn Đỗ Văn Tài, ấp Tân Qui I, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè cho biết: qua thời gian dài khô hạn và nắng nóng, nhiều vườn cây ăn trái gặp khó khi bơm tưới nhờ nguồn nước lấy từ Sông Hậu lên do độ mặn cao. Với những đợt mưa khá lớn vừa qua, đã giúp cho cây phục hồi tốt hơn và cung cấp đủ lượng nước cho các cây đang mang trái, giúp trái cây có mẫu mã bóng sáng, phát triển nhanh…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.