18/08/2022 16:31
Tình hình sản xuất lĩnh vực nông nghiệp những tháng đầu năm 2022 tuy bị ảnh hưởng một số khó khăn như giá nhiên liệu, vật tư nông nghiệp tăng và mặt hàng nông sản giảm... Tuy nhiên, qua ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, tình hình khó khăn trên và giá một số nông sản đã tăng trở lại. Đặc biệt là điều kiện canh tác trong mùa vụ năm 2022 tương đối thuận lợi, dịch bệnh trên cây trồng được quản lý tốt; góp phần gia tăng sản lượng khá lớn trên một số sản phẩm, như lúa, dừa, cây ăn trái và rau màu.
Ông Lê Trường Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết: dự kiến sản lượng lúa năm 2022 sẽ đạt theo kế hoạch đề ra (trên 1,1 triệu tấn), diện tích rau màu các loại vượt 06% kế hoạch (sản lượng 1,3 triệu tấn), cây ăn trái vượt 2,7% kế hoạch. Riêng diện tích dừa đến cuối tháng 7/2022 đã đạt kế hoạch (25.000ha) và dự kiến sẽ vượt khoảng 10 - 15% diện tích; do đó tỉnh sẽ tiến hành rà soát và phối hợp với địa phương để tuyên truyền và hướng dẫn nông dân ổn định diện tích phát triển cây dừa, sản xuất theo quy hoạch.
Thông qua việc chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất, các nguồn vốn hỗ trợ trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tác động tích cực vào việc góp phần tăng sản lượng và chất lượng các sản phẩm nông sản như lúa, trái cây, dừa hữu cơ… Theo đó, trong 06 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã chuyển đổi 1.866ha đất kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác và nuôi thủy sản; trong đó, chủ yếu chuyển sang trồng cây hàng năm 390,49ha và chuyển sang cây lâu năm 1.450ha (cây ăn trái 834ha, dừa 615ha).
Hiện nay, giá một số mặt hàng nông sản tăng mạnh như dừa khô (12 trái/chục) từ 25.000 đồng/chục (tháng 7/2022) tăng lên 35.000 - 40.000 đồng/chục (tháng 8/2022); lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp (5.350 - 5.700 đồng/kg, tùy giống lúa); trái cây các loại (ổi, mít, cam sành… đang vào vụ) tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg…
Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè, với diện tích xuống giống lúa hè - thu khoảng 7.677ha, hiện trà lúa đang vào thu hoạch, năng suất trung bình đạt 6,3 tấn/ha, tăng hơn 0,3 tấn/ha so với cùng kỳ. Diện tích cây ăn trái trên 8.208ha, sản lượng thu hoạch trên 132.000 tấn (kế hoạch 165.000 tấn), tăng 50.000 tấn so cùng kỳ, chủ yếu là các loại cây ăn quả như cam sành, nhãn, chôm chôm, ổi, bưởi….
Nhà vườn Cao Thị Thu Thủy, ấp An Hòa, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè phấn khởi cho biết: hiện nay, nhà vườn tập trung trồng ổi; với giá ổi tăng lên 7.500 - 8.000 đồng/kg (đầu năm 2022, khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg), như vậy 1.000m2 trồng ổi cho thu nhập trên 20 triệu đồng/năm (năng suất khoảng 30 tấn/ha). Gia đình hiện có trên 0,5ha đất vườn chuyển sang trồng giống ổi Nữ hoàng.
Nhà vườn Nguyễn Lê Vinh, ấp cù lao An Lộc, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè có gần 03ha chuyên trồng giống Thanh nhãn, chia sẻ: từ đầu năm đến nay, giá nhãn cũng khá ổn định và đứng ở mức cao. Hiện giá Thanh nhãn được thương lái thu mua tại vườn 45.000 đồng/kg, với năng suất 08 - 10 tấn/ha và chi phí đầu tư chiếm khoảng 20%/tổng thu. Nhà vườn thu khoảng 350 triệu đồng/ha.
Theo ông Huỳnh Văn Màu, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Duyên Hải: là địa phương có diện tích trồng màu khá lớn, chủ yếu trên đất giồng cát, ven biển… đến cuối tháng 7/2022, diện tích màu xuống giống của địa phương đạt trên 2.200ha, tập trung nhiều là dưa hấu 556ha, hành tím 549ha, khoai lang 260ha; bí đỏ 188ha và rau, hoa quả các loại 564ha...; nông dân đã thu hoạch trên 1.000ha với sản lượng hơn 43.000 tấn rau màu các loại; nhờ giá bán năm nay tương đối cao và ổn định kéo dài, đem lại thu nhập cho nông dân từ 150 - 200 triệu đồng/ha.
Nông dân Nguyễn Thị Lan, ấp Cồn Ông, xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải phấn khởi nói: năm nay, người trồng màu có thu nhập khá tốt, nhiều loại rau màu có giá khá ổn định và tương đối cao; như hành lá 15.000 - 17.000 đồng/kg; củ sắn 4.500 - 5.000 đồng/kg… Riêng gia đình có 0,3ha trồng hành lá, với năng suất khoảng 20 tấn/ha, trừ chi phí, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/vụ.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.