25/12/2021 08:19
Năm 2021 với nhiều tác động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cùng với đó, những tháng cuối năm, bệnh viêm da nổi cục trên bò và dịch tả heo châu Phi xuất hiện và diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình phát triển chăn nuôi của tỉnh. Giá một số mặt hàng nông - lâm - thủy sản giảm mạnh… Song, ngành nông nghiệp Trà Vinh đã có nhiều nỗ lực trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch.
Mô hình nuôi tôm thâm canh của nông dân cù lao Long Hòa, huyện Châu Thành.
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh chia sẻ: trước những khó khăn đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo ngành nông nghiệp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong phòng, chống dịch bệnh, chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết. Đến thời điểm này, cơ bản các chỉ tiêu đều đạt so với kế hoạch. Đối với đơn vị, ngay từ đầu năm đã chủ động xây dựng từng kế hoạch và phân công cụ thể cho từng đơn vị trực thuộc, theo từng lĩnh vực của ngành phụ trách.
Cùng với đó, một số hạ tầng đã được đầu tư xây dựng phục vụ trong sản xuất, đã phát huy hiệu quả và góp phần nâng cao năng lực sản xuất của từng vùng, từng khu vực thích ứng với biến đổi khí hậu và gia tăng tỷ trọng giá trị sản xuất cho nông dân trên các lĩnh vực như cây trồng, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản…
Điểm nổi bật trong năm 2021 chính là tỉnh đã thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tiếp tục triển khai trồng lúa theo mô hình vùng lúa chất lượng cao, cánh đồng lớn gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Cầu Kè, Tiểu Cần và Châu Thành. Thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác, qua đó có 2.335ha đất lúa sang trồng cây hàng năm và lâu năm khác hoặc kết hợp với nuôi thủy sản, gồm: chuyển sang trồng bắp, màu thực phẩm và trồng cỏ 1.287,8ha, chuyển sang trồng cây ăn trái 671ha, chuyển sang trồng dừa 309,8ha, kết hợp nuôi thủy sản 25ha, chuyên nuôi thủy sản 41,25ha. Các địa phương trong tỉnh đã chủ động nhiều giải pháp đảm bảo thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu, kế hoạch được giao, tạo giá trị hàng hóa cung ứng ra thị trường, ổn định đời sống người dân. Trong này, huyện Trà Cú đã chuyển đổi mạnh các diện tích mía kém hiệu quả sang trồng lúa, nuôi thủy sản và trồng màu kết hợp trồng cỏ nuôi bò…
Trong công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ngành nông nghiệp đã phối hợp các địa phương tổ chức 281 lớp tập huấn cho 7.524 lượt nông dân về kỹ thuật trồng lúa hữu cơ, chất lượng cao; trồng dừa theo hướng hữu cơ và phòng trị sâu đầu đen hại dừa; kỹ thuật trồng cây ăn trái, trồng đậu phộng sử dụng phân hữu cơ vi sinh tưới nước tiết kiệm; kỹ thuật trồng mít Thái sử dụng phân hữu cơ sinh học tưới nước tiết kiệm; kỹ thuật chăn nuôi bò, biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên bò; biện pháp phòng trị một số bệnh thường gặp trong chăn nuôi dê; kỹ thuật nuôi một số loại thủy sản... Đồng thời, ứng dụng mạng xã hội trong tình hình dịch bệnh Covid-19, đã tổ chức tư vấn trực tiếp qua zalo, điện thoại cho 10.180 lượt hộ về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; cấp phát 13.559 tờ tài liệu bướm tuyên truyền.
Trong lĩnh vực thủy sản, đã vận động người dân tham gia chuyển đổi khoảng 700ha từ các hình thức nuôi khác sang nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, nâng tổng diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh lên khoảng 10.734ha, trong đó nuôi thâm canh mật độ cao 884ha (tăng 249ha so với năm 2020), năng suất đạt từ 50-70 tấn/ha; duy trì 5.750ha diện tích nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng và 5.600ha lúa - thủy sản.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết: trong lĩnh vực thủy sản đạt được nhiều kết quả là do ngay từ đầu năm 2021, kịp thời ban hành văn bản khuyến cáo người nuôi tạm ngưng thả nuôi khi thời tiết không thuận lợi để hạn chế thiệt hại và khuyến cáo tiếp tục thả nuôi khi thời tiết thuận lợi để đạt chỉ tiêu kế hoạch cả năm; tăng cường cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn trực tiếp cho các hộ nuôi thủy sản và xử lý mầm bệnh, không để lây lan ra diện rộng. Hàng tuần thực hiện công tác quan trắc và cảnh báo môi trường, giám sát dịch bệnh thủy sản trong ao nuôi để cung cấp thông tin cho người nuôi thủy sản.
Theo ước tính, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp năm 2021 thực hiện 27.863 tỷ đồng, đạt 99,14% kế hoạch, tăng 0,24% so cùng kỳ (nông nghiệp 17.019 tỷ đồng, vượt 0,08% kế hoạch, tăng 2,83%; lâm nghiệp 240 tỷ đồng, đạt 80,15% kế hoạch; thủy sản 10.604 tỷ đồng, đạt 98,2% kế hoạch). Tổng diện tích gieo trồng 209.016ha, vượt 7,55% kế hoạch (tăng 3.901ha so cùng kỳ), thu hoạch 208.897ha, năng suất 5,54 tấn/ha (tăng 0,55 tấn/ha), sản lượng ước 1,16 triệu tấn, vượt 6,67% kế hoạch (tăng so cùng kỳ 217.230 tấn). Trong chăn nuôi, từng bước nâng cao tầm vóc đàn bò theo hướng lai cải tạo với các giống ngoại nhập như Zebu, Brahman, Charolais, Red Sindhi… đã cải tạo và nâng cao 95% tầm vóc đàn bò vàng địa phương, đưa giá trị tăng thêm khoảng 50% so với giống bê địa phương. Giống đàn heo 100% sử dụng giống lai kinh tế, tăng khoảng 05% trọng lượng so với trước đây. Thả nuôi thủy sản vùng nước mặn - lợ 53.400ha (tôm sú 23.000ha, tôm thẻ chân trắng 9.500ha, cua biển 19.000ha, thủy sản khác 1.900ha); nuôi nước ngọt 4.200ha (cá tra 60ha, cá lóc 300ha, tôm càng xanh 2.000ha, cá các loại 1.840ha). Tổng sản lượng nuôi ước đạt 149.742 tấn.
|
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.