27/07/2020 08:30
Công trình khu hoa viên của huyện Cầu Ngang chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Cầu Ngang, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Bà Trần Thị Kim Chung, Phó Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang cho biết: để đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền các cơ chế, chính sách, các chủ trương trong XDNTM, NTM nâng cao. Trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, huyện tập trung thâm canh cây lúa, chuyển đổi một số diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, kết hợp nuôi trồng thủy sản... phấn đấu đến năm 2025, sản lượng lúa bình quân đạt khoảng 169.500 tấn/năm, xây dựng cánh đồng lớn, tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chú trọng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; tổng sản lượng thủy sản đạt 72.000 tấn.
Đầu tư thâm canh và mở rộng diện tích cây màu 18.750ha/năm, hình thành cánh đồng lớn trên các loại cây màu có giá trị kinh tế cao, như đậu phộng, dưa hấu, ớt chỉ thiên, bí đỏ, cây bắp... sản xuất theo hướng sạch, an toàn, hữu cơ, nhà lưới. Phát triển đàn nuôi theo hướng an toàn sinh học và công nghiệp; chú trọng phát triển đàn gia súc, gia cầm đến năm 2025 đạt hơn 2,05 triệu con và hình thành trung tâm giao dịch, trung chuyển và chế biến bò tại xã Hiệp Hòa, làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, theo chuỗi giá trị, giảm khâu trung gian; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống.
Trong chuyển đổi phải kể đến gia đình bà Trần Thị Ửng, ấp Tư, xã Mỹ Long Nam đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm bán thâm canh sang thâm canh trên diện tích đất lúa kém hiệu quả trong nhiều năm qua. Bà Ửng chia sẻ: nuôi tôm tuy lợi nhuận cao nhưng rủi ro nhiều, những năm trước do thiếu vốn nên vợ chồng tôi hùn vốn với người thân nuôi tôm, lợi nhuận bình quân đạt 300 - 400 triệu đồng/năm. Từ năm 2019 đến nay, vợ chồng tôi tự lập nuôi 220.000 tôm thẻ chân trắng giống trên diện tích 1.200m2, sau hơn 02 tháng thu hoạch lợi nhuận vài chục triệu đồng. Vụ nuôi năm 2020, với diện tích trên tôi thả nuôi khoảng 200.000 tôm giống, do ảnh hưởng thời tiết, môi trường nước không ổn định nên tôm chậm lớn, giá tôm sụt giảm mạnh, sản lượng đạt gần 04 tấn, huề vốn, hiện nay tôi đang thả nuôi vụ mới, phát triển tốt.
Trong nhiệm kỳ qua, huyện đã thực hiện chuyển đổi hơn 2.542ha, nâng tổng số đến nay đã chuyển đổi 4.720ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ngắn ngày và nuôi thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế tăng 02 - 03 lần, đặc biệt việc chuyển đổi nuôi tôm trên đất trồng lúa kém hiệu quả, lợi nhuận tăng gấp 15 lần trên cùng đơn vị diện tích.
Nổi bật là mô hình phá thế độc canh cây lúa sang trồng 02 vụ màu - 01 vụ lúa ăn chắc của nông dân xã Vinh Kim; thâm canh lúa - màu của nông dân xã Mỹ Hòa; nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh của nông dân xã Hiệp Mỹ Đông, Thạnh Hòa Sơn, Mỹ Long Nam, Long Sơn. Song song đó, các xã có thế mạnh về thâm canh cây màu, như Long Sơn, Mỹ Long Bắc, Thuận Hòa, Hiệp Hòa, Mỹ Hòa bố trí tập trung phát triển cây màu trên đất triền giồng, dưới chân ruộng, mở rộng diện tích và thâm canh màu trong mùa khô, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đa dạng các loại cây màu bằng những phương pháp trồng luân canh quay vòng nhiều đợt màu trong năm trên cùng đơn vị diện tích.
Điển hình như gia đình bà Dương Thị Do, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn đã chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng thâm canh 03 vụ dưa hấu - 01 vụ củ cải/năm trên diện tích 0,3ha, lợi nhuận bình quân đạt 25 - 30 triệu đồng/vụ, riêng vụ dưa hấu vừa qua tuy được giá nhưng thời điểm đang cho trái gặp mưa mỗi ngày, năng suất giảm, lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bà còn giải quyết việc làm cho 08 lao động trong mùa thu hoạch dưa hấu, thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng/người/ngày.
Hay mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng luân canh 01 vụ lúa - 02 vụ màu dưa hấu, khoai lang, cà chua trên diện tích 1,3ha của bà Nguyễn Thị Chính, ấp Mỹ Thập, xã Mỹ Long Bắc đem lại lợi nhuận bình quân 60 - 120 triệu đồng/ha. Theo bà Chính, với 1,3ha đất canh tác, trong đó có 0,8ha đất thuê để trồng thâm canh cây màu chủ yếu khoai lang, 0,5ha trồng 01 vụ lúa - 02 vụ dưa hấu vào mùa khô. Hiện tại bà đang trồng 0,45ha khoai lang, trong đó có 0,15ha đang thu hoạch, lợi nhuận đạt 12 triệu đồng, diện tích còn lại do xuống giống trễ. Song song với cây lúa, màu, bà Chính còn tận dụng hơn 0,1ha đất trồng cỏ nuôi 04 con bò sinh sản, lợi nhuận bình quân 25 triệu đồng/năm.
Thực hiện bộ tiêu chí NTM trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả thiết thực. Bộ mặt nông thôn đổi mới, văn minh hơn, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục củng cố; sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư phát triển mạnh, cây trồng có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất và nhân rộng, áp dụng tiến bộ khoa học, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm công lao động.
Đến cuối tháng 6/2020, huyện có 28.005/32.613 hộ đạt 08 nội dung xây dựng gia đình văn hóa - NTM, tăng 628 hộ so với cuối năm 2019; 50/90 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa - NTM. Đến nay, huyện có 06/13 xã đạt chuẩn NTM. Theo kế hoạch năm 2020, huyện có thêm 02 xã Mỹ Hòa, Hiệp Hòa đạt chuẩn xã NTM; đồng thời chỉ đạo xây dựng xã Mỹ Long Bắc, Hiệp Mỹ Tây, Hiệp Mỹ Đông đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
Xác định tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM là nhiệm vụ quan trọng trong những năm tiếp theo, huyện tiếp tục xây dựng nông nghiệp sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm. Để thực hiện hiệu quả, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, XDNTM, từ đó chủ động tham gia phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Đồng thời, dựa trên tập quán canh tác, kinh nghiệm sản xuất của từng địa phương, khuyến khích người dân lựa chọn những hình thức sản xuất phù hợp, nhằm xây dựng ngành nông nghiệp bền vững, thúc đẩy chương trình XDNTM.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.