30/09/2021 13:40
Tuy nhiên, theo dự báo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trà Vinh, từ nay đến cuối năm, sản lượng một số mặt hàng nông - thủy sản như màu, thịt gia súc, gia cầm, tôm, cua biển… sẽ tăng mạnh do vào vụ thu hoạch. Do đó, các địa phương cần tăng cường gia tăng việc nắm bắt nhu cầu, sản lượng và tổ chức tốt việc kết nối, tiêu thụ nông sản với các chợ đầu mối, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh…
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh cho biết: dự kiến sản lượng từ tháng 9 đến cuối năm, nông dân trong tỉnh sẽ tập trung thu hoạch đông ken một số mặt hàng nông sản. Đối với cây màu, trên địa bàn tỉnh sẽ có khoảng 512.000 tấn màu các loại (trong này, dự kiến sản lượng thu hoạch trong tháng 9 là 149.000 tấn, tháng 10 là 112.000 tấn, tháng 11 là 125.000 tấn, tháng 12 là 126.000 tấn) và cây ăn trái, dự kiến sản lượng thu hoạch từ nay đến cuối năm trên 100.000 tấn; riêng vụ lúa thu-đông đến tháng 11/2021 mới bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Về sản phẩm thịt động vật đạt khoảng 1.100 tấn/tháng (thịt bò); thịt heo hơi xuất chuồng 3.250 tấn/tháng; thịt gia cầm xuất chuồng 2.000 tấn/tháng. Thời gian qua, đặc biệt là khi thực hiện giãn cách xã hội theo theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Sở NN-PTNT đã phối hợp cùng với các địa phương và các sở, ngành tỉnh thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong công tác lưu thông vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân.
Đến ngày 13/9, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số mặt hàng khó tiêu thụ như: tôm càng xanh, dừa khô và lươn, với sản lượng 280 tấn tôm càng xanh, 500.000 trái dừa khô (huyện Châu Thành), 06 tấn lươn (huyện Tiểu Cần). Tuy nhiên, với sự tích cực tham gia của các sở, ban, ngành tỉnh đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ hàng hàng hóa nông sản, tạo được sự kích cầu và ổn định sản xuất cho người dân. Đặc biệt là trong những ngày qua giá mặt hàng thủy sản đã tăng khá mạnh và nguồn tiêu thụ dồi dào…
Qua trao đổi với nông dân Phạm Văn Sớm, ấp Cây Da, xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải, ông phấn khởi cho biết: đến ngày 13/9, giá tôm thẻ chân trắng đã trở lại, cao hơn thời điểm thực hiện giãn cách xã hội khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg. Riêng gia đình tôi vừa bán tôm thẻ chân trắng (loại 50 con/kg) với giá 115.000 đồng/kg, với giá này người nuôi cũng an tâm, hiện nay nguồn tiêu thụ tôm khá mạnh và có nhiều thương lái tìm đến thu mua thủy sản như cua biển, tôm, cá… Tình hình hiện nay, người nuôi tôm đã bắt đầu đẩy mạnh việc cải tạo ao hồ và thực hiện thả nuôi lại; gia đình tôi đang chuẩn bị thả nuôi 09 ao tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh mật độ cao; hy vọng vụ tôm tới nông dân được mùa, được giá khi dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát.
Nông dân Thạch Sóc phấn khởi thu hoạch vụ lúa hè - thu khi giá lúa tăng.
Nông Thạch Sóc, ấp Kinh Xáng, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè cho biết: gia đình có 0,7ha sản xuất lúa vừa mới thu hoạch xong vụ hè-thu, năng suất trên 07 tấn/ha; với giá bán tại ruộng 5.650 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 18 triệu đồng/ha, nếu so với giá lúa của các hộ bán trước đó (khoảng cuối tháng 8/2021) tăng trên 700 đồng/kg. Tình hình hiện nay cho thấy giá lúa tiếp tục tăng, người trồng lúa cũng an tâm hơn và thương lái tìm đến thu mua lúa cũng nhiều hơn trước.
Để tập trung đẩy mạnh việc liên kết, tiêu thụ hàng hóa nông sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đặc biệt là từ nay đến cuối năm 2021; ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: với thế mạnh của tỉnh là sản xuất nông nghiệp, do đó cần tập trung xây dựng tốt và bền vững chuỗi “kết nối cung - cầu nông, thủy sản”. Đồng thời, các đơn vị chủ trì thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin thị trường, liên kết cung cấp thông tin, nhu cầu về sản phẩm dự kiến sẽ liên kết. Phối họp tổ chức hội nghị, hội thảo xúc tiến thương mại và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành trong khu vực. Tập trung hỗ trợ tiêu thụ các loại nông - thủy sản ngắn ngày, trong đó tập trung tiêu thụ tại thị trường nội địa, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh nhằm hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.