26/05/2022 14:07
Tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, tuy nhiên do tiềm ẩn dịch bệnh còn lưu tồn ngoài môi trường, các địa phương cần tăng cường quản lý, kiểm soát tốt đàn vật nuôi; tuyên truyền, vận động người nuôi thực hiện đầy đủ các quy định trong quá trình nuôi (tiêm phòng các loại vắc-xin) và nuôi theo hướng khép kín, an toàn sinh học…
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh kiểm tra đàn bò trước khi bàn giao hỗ trợ cho người nuôi ở xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trương Thị Mộng Huyền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: hiện nay, vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột khiến đàn vật nuôi chưa kịp thích nghi, sức đề kháng giảm, dẫn đến các loại dịch bệnh có thể phát sinh và gây bệnh cho đàn vật nuôi. Trong đó, người nuôi cần quan tâm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: lở mồm long móng, bệnh DTHCP; cúm gia cầm; bệnh VDNC trên trâu, bò; bệnh heo tai xanh… Đây là các bệnh do vi-rút gây ra, lây lan nhanh và tỷ lệ chết cao như cúm gia cầm, DTHCP khả năng gây chết lên đến 100% và hiện không có thuốc điều trị. Để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi trong thời điểm giao mùa, người nuôi cần thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi (tiêm phòng vắc-xin; vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi…).
Ngoài ra, hộ nuôi cần thực hiện tốt khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo dinh dưỡng cho vật nuôi, cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống, bổ sung vitamin, khoáng chất vào khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Vào thời điểm chuyển mùa, người nuôi cần chú trọng thực hiện các biện pháp như: che chắn chuồng trại tránh mưa tạt, gió lùa; khi nhiệt độ môi trường giảm cần giữ ấm cho đàn vật nuôi, nhất là gia cầm non cần có chuồng úm, quây úm, đèn sưởi để cung cấp nhiệt phù hợp. Với phương châm “phòng bệnh hơn trị bệnh”, đảm bảo cho đàn vật nuôi khỏe mạnh, phát triển tốt.
Được biết, thời gian qua, khi bệnh VDNC trên trâu, bò phát sinh ổ dịch đầu tiên trên địa bàn tỉnh tại huyện Trà Cú vào tháng 8/2021 và kết thúc vào tháng 12/2021, dịch bệnh đã lây lan sang 08/09 huyện, thị xã, thành phố; với tổng số bò nghi, mắc bệnh 3.633 con, tiêu hủy 735 con. Cùng với đó, bệnh DTHCP xuất hiện ổ dịch đầu tiên tại huyện Cầu Kè vào tháng 9/2021 và kết thúc vào tháng 3/2022, dịch bệnh đã lây lan sang 05/09 huyện, thị xã, thành phố; tổng số heo nghi, mắc bệnh 3.852 con, tiêu hủy 3.925 con.
Ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp dập dịch nhằm khống chế dịch bệnh, không để dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan ra diện rộng. Qua đó, đã tiến hành tổ chức tiêm phòng vắc-xin VDNC trên đàn gia súc khỏe mạnh (trâu, bò) tại xã có dịch và các xã còn lại trên địa bàn toàn tỉnh có nguy cơ cao (trong phạm vi bán kính 10km từ xã có dịch bệnh VDNC); bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 90% số trâu, bò thuộc diện tiêm.
Chủ động theo dõi, giám sát dịch bệnh và tiến hành điều tra ổ dịch, lấy mẫu gửi xét nghiệm nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh. Thực hiện tiêu hủy toàn bộ gia súc mắc bệnh, chết sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh VDNC và DTHCP theo quy định. Tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi tại các hộ nuôi có gia súc bị bệnh, nghi bị bệnh; đồng thời, tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm với tần suất quy định nhằm tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan.
Ghi nhận về công tác phòng, chống dịch bệnh và quản lý tái đàn sau dịch bệnh tại huyện Trà Cú, Cầu Kè… đây là các địa phương có tổng đàn trâu, bò và heo chiếm cao nhất trong tỉnh. Theo bà Sử Thanh Trúc, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cầu Kè, ngày 22/4/2022, UBND huyện Cầu Kè đã công bố hết dịch bệnh DTHCP trên địa bàn huyện. Từ đó đến nay, dịch bệnh đã không còn xảy ra và được kiểm soát tốt; tuy nhiên, việc tái đàn sau dịch bệnh đối với đàn heo của địa phương giảm so với cùng kỳ khoảng 40%/tổng đàn trước khi chưa xảy ra dịch bệnh (khoảng 70.000 con). Hiện nay, người nuôi heo rất e dè trong tái đàn hay nuôi mới, cùng với đó là giá thuốc thú y, thức ăn tăng cao…
Còn trên địa bàn huyện Trà Cú, tình hình nuôi bò trong hộ dân dần khôi phục và tăng mạnh sau khi dịch bệnh VDNC đã được khống chế và công bố hết dịch (tháng 4/2022). Hiện đàn bò đã tăng mạnh trở lại và giá bò hơi tương đối ổn định, giá thịt bò hơi từ 65.000-70.000 đồng/kg vào thời điểm xảy ra dịch bệnh VDNC; nay đã tăng từ 85.000-90.000 đồng/kg. Hiện tổng đàn bò của huyện Trà Cú đạt trên 45.000 con và gần 20.000 con heo.
Theo bà Thạch Thị Hòn, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Trà Cú: hiện nay đang vào thời điểm giao mùa, một số bệnh thường xảy ra trên gia cầm như cúm, tụ huyết trùng, thương hàn… đối với gia súc, ecoli, bệnh DTHCP, lở mồm long móng… Do đó, người nuôi cần thực hiện các biện pháp nuôi an toàn sinh học, quản lý tốt đàn vật nuôi và tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của ngành Thú y.
Cũng theo bà Trương Thị Mộng Huyền, thực hiện Kế hoạch số 94/KH-UBND, ngày 03/11/2021 của UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản và cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2022... từ nay đến cuối năm, tập trung triển khai tiêm phòng các loại vắc-xin (cúm gia cầm, lở mồm long móng, VDNC, dại chó, mèo,…) cho đàn gia súc, gia cầm. Tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của các loại dịch bệnh và biện pháp phòng, chống dịch bệnh đến với người nuôi, những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tăng cường c kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.