14/02/2025 08:24
Nhân viên Thủ cống theo dõi tiếp ngọt (vào 03 cửa) tại cống Bông Bót, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè.
Theo Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Nguyễn Nghĩa Hùng, do dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long giảm nhanh, làm mặn đã xuất hiện sớm trên các cửa sông và sẽ đạt đỉnh trong khoảng tháng 02 đến tháng 4/2025.
Dự báo nguồn nước (từ ngày 07 - 13/02/2025), đầu tuần, ranh mặn 04g/l khi thấp nhất và cách biển từ 30 - 35km trên các nhánh Sông Tiền; từ 43 - 45km trên nhánh sông Hàm Luông; từ 36 - 40km trên nhánh Sông Tiền và từ 35 - 40km trên nhánh Sông Hậu. Cuối tuần, mặn tăng trở lại và lấn sâu thêm khoảng 10km so với khi mặn thấp nhất, ranh mặn cách biển từ 45 - 53km. Đối với vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long (các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang); mặn đã ảnh hưởng đến các vùng ven biển, nguồn nước trữ giảm nhanh, cơ hội lấy nước bổ sung là hiếm, cần tranh thủ tích nước ngay khi có điều kiện.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh, tại các vùng có nguy cơ nước mặn xâm nhập và khô hạn, gây thiếu nước ảnh hưởng nhiều đến sản xuất (chủ yếu cây lúa) như Cầu Ngang, Trà Cú và một phần huyện Châu Thành, Tiểu Cần… Hiện Trà Vinh cơ bản đã có các hệ thống cống ngăn mặn ven Sông Hậu (Cần Chông, Rạch Rum, Bông Bót, Tân Dinh) và các tuyến kênh trục, kênh cấp I, cấp II được đầu tư nạo vét, khơi thông dòng chảy, góp phần rất lớn trong việc trữ và tiếp ngọt vào trong nội đồng phục vụ sản xuất vụ lúa đông - xuân 2024 - 2025 cũng như đầu vụ lúa hè - thu năm 2025. Tuy nhiên, tại một số khu vực, vùng sản xuất gò, triền giồng, xa kênh trục và tiếp giáp biển việc tiếp ngọt còn hạn chế; sẽ xảy ra thiếu nước và mang tính cục bộ tại từng thời điểm.
Đến trung tuần tháng 02/2025, toàn tỉnh đã xuống giống vụ lúa đông-xuân 2024 - 2025 được 61.509ha, vượt 0,02% kế hoạch. Hiện phần lớn lúa trong giai đoạn đẻ nhánh 47.472ha; đòng -trổ 4.389ha và mạ 9.648ha.
Ngày 06/12/2024, Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác công trình Thủy lợi Trà Vinh ban hành Kế hoạch số 14/KH-CTCTTI, về việc “Phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm 2024 - 2025”; các địa phương đã tập trung thực hiện vận hành các cửa cống đầu mối, trạm bơm để đảm bảo đáp ứng theo nhu cầu sản xuất và phù hợp với từng con nước trong việc tiếp ngọt, ngăn mặn. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Cầu Kè, với hệ thống cống Bông Bót, Tân Dinh, Rạch Rum, Mỹ Văn vừa thực hiện ngăn mặn và tiếp ngọt về cho các huyện vùng ven biển.
Đồng chí Hứa Thanh Sơn, Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông huyện Cầu Kè cho biết: thực hiện Kế hoạch số 14/KH-CTCTTI, trên địa bàn huyện có 06 cống nằm ven Sông Hậu; do đó, với tình hình độ mặn được cập nhật liên tục, thường xuyên khi phía ngoài cống có độ mặn dưới 01‰ thực hiện mở cống lấy nước liên tục để tiếp ngọt.
Thực hiện Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 - 2025; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô năm 2024 - 2025. Sử dụng tiết kiệm nước, chủ động tích trữ nguồn nước để cung cấp cho sản xuất lúa vụ đông - xuân 2024 - 2025 và hè - thu 2025; đồng thời, phục vụ cho hoạt động phát triển nuôi thủy sản, điện năng; đặc biệt là cho diện tích sản xuất tôm - lúa. Chuẩn bị sẵn sàng phương án, kế hoạch cấp nước, đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn, nhất là đối với người dân tại các khu vực khó khăn, vùng không có tuyến ống cấp nước, điều kiện giao thông đi lại không thuận tiện để lấy nước.
Theo đồng chí Diệp Như Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh) đơn vị sẽ phối hợp Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác công trình Thủy lợi Trà Vinh theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn và diễn biển hạn, mặn; tăng cường công tác khảo sát, đánh giá tình hình xâm nhập mặn trên các tuyển kênh rạch chính, kịp thời thông báo cho các ngành, địa phương và nhân dân biết nhằm chủ động ứng phó trong sinh hoạt và sản xuất. Kiểm tra, đôn đốc các địa phượng trục vớt lục bình và nạo vét hệ thống kênh nội đồng để khơi thông dòng chảy và trữ nước.
Về kế hoạch nạo vét kênh nội đồng mùa khô năm 2024 - 2025, hiện các địa phương đã triển khai đăng ký nạo vét 492 công trình, dài trên 420km; lắp 12 bọng. Địa phương có số lượng lớn công trình kênh nạo vét là Tiểu Cần 116 kênh; Châu Thành 95 kênh và Trà Cú 94 kênh… công tác nạo vét sẽ triển khai sớm trong giữa tháng 02/2025, qua đó góp phần rất lớn torng việc trữ và tiếp nước vào nội đồng phục vụ sản xuất lúa.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản thuận lợi; các chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật tiếp tục được quan tâm; cơ cấu sản xuất tiếp tục chuyển đổi phù hợp với thế mạnh của tỉnh.