31/08/2020 19:03
Ông Trần Văn Triều (phải) giới thiệu với Hội ND thành phố Trà Vinh cách chăm sóc hoa giấy ghép nhiều màu.
Theo ông Kim Huynh, Chủ tịch Hội ND thành phố Trà Vinh: đến cuối tháng 6/2020, Hội ND các cấp đã xây dựng hơn 300 tổ sản xuất với các loại hình hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh - dịch vụ, khai thác đánh bắt thủy, hải sản, đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và vượt khó thoát nghèo.
Để tạo hướng đi mới cho nông nghiệp đô thị cũng như nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất, Hội ND thành phố sẽ tập trung xây dựng đề án và chuyển giao kỹ thuật về cắt ghép trên giống hoa giấy Thái Lan, cắt thu hoạch hoa đồng tiền (không thu hoạch nguyên cây) và trồng nấm rơm bằng chế phẩm sinh học trong nhà kín; trồng đinh lăng cấy mô trong chậu; chanh dây và dưa lưới, nuôi rắn hồ ri voi, nuôi lươn trong bể lót bạt và đang được nhân rộng…
Với làng nghề trồng hoa kiểng truyền thống ở xã Long Đức, thành phố Trà Vinh; trong này, có ấp Vĩnh Yên được UBND tỉnh công nhận Làng nghề trồng hoa kiểng năm 2011. Hàng năm tại đây có khoảng 103 hộ tham gia trồng hoa kiểng, với hơn 350.000 chậu hoa kiểng các loại. Để xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị, Hội ND xã Long Đức đã chọn ấp Vĩnh Yên làm điểm thực hiện. Hiện tại, ấp có 02 tổ hợp tác trồng hoa kiểng với 106 tổ viên là những người đã có nhiều năm trong nghề trồng hoa kiểng và có tính liên kết để làm kinh tế gia đình, góp phần cùng Đảng bộ thực hiện tiêu chí thu nhập, nâng cao chất lượng xã Long Đức đạt các tiêu chí NTM nâng cao.
Riêng năm 2020, các thành viên trong tổ đã tham gia thực hiện nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng hoa cúc đồng tiền của ông Nguyễn Văn Thanh, mô hình trồng hoa sống đời của ông Lê Hoàng Tiến. Hay mô hình kinh doanh giống cây trồng, hoa kiểng kết hợp trồng hoa lan trong nhà lưới của hộ ông Bùi Minh Nàng, hàng năm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng; ông Trần Văn Hào, ông Nguyễn Thành Công với mô hình trồng hoa kiểng trong nhà lưới cho lợi nhuận hàng năm hơn 60 triệu đồng/100m2…
Từ những hiệu quả đạt được trong thực hiện mô hình trồng hoa kiểng ở ấp Vĩnh Yên, đến nay đã được nhân rộng trên địa bàn các ấp như: Vĩnh Hưng có 16 hộ trồng, khoảng 47.000 chậu hoa kiểng/năm; ấp Công Thiện Hùng có 05 hộ trồng với 15.000 chậu hoa kiểng/năm; ấp Huệ Sanh có 05 hộ trông với 16.000 chậu hoa kiểng/năm; ấp Sa Bình có 12 hộ trồng với 25.000 chậu hoa kiểng/năm.
Tháng 7/2020, mô hình Chi hội nghề nghiệp hoa kiểng của Chi Hội ND ấp Long Bình, Phường 4, thành phố Trà Vinh được thành lập, có 33 thành viên; đây là các hộ có cùng mục tiêu trong ngành nghề trồng hoa kiểng. Bà Nguyễn Thị Loan Phụng, Chi Hội trưởng Chi hội ND ấp Long Bình cho biết: Chi hội nghề nghiệp được thành lập sẽ tạo thuận lợi cho các hộ làm nghề trồng hoa kiểng được tập huấn, trao đổi kinh nghiệm cũng như xây dựng phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp nhất. Ngoài trồng hoa kiểng, các hộ còn kết hợp trồng hoa lan, trồng màu trong nhà lưới.
Hiện toàn ấp có trên 35,8ha đất nông nghiệp được nông dân tận dụng khai thác có hiệu quả trong trồng màu, hoa kiểng, cây lâu năm. Thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã đầu tư 300 triệu đồng giúp 11 hộ làm nghề trồng hoa kiểng; dịp Tết Nguyên đán năm 2020, các hộ trồng hoa kiểng ở Chi hội ND ấp Long Bình đã đưa ra thị trường 110.000 chậu hoa giấy, doanh thu 3,85 tỷ đồng.
Nói về hiệu quả của mô hình trồng hoa kiểng, ông Trần Văn Triều, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX hoa kiểng Thanh Bình (Phường 4, thành phố Trà Vinh) cho biết: HTX hiện có 70 thành viên tham gia trồng các loại hoa kiểng, trong đó hoa giấy là cây trồng chủ lực của HTX; bình quân mỗi thành viên trồng khoảng 2.000 chậu và chu kỳ 06 tháng xuất bán 01 lần. Trong này có khoảng 30% thành viên trồng hoa giấy ghép nhiều màu và giá trị mang lại bình quân 150.000-200.000 đồng/chậu; riêng các chậu hoa giấy ghép nhiều màu loại lớn (đường kính 1,2-1,5m) có giá dao động từ 15-20 triệu đồng/chậu.
Hiện nay, nhu cầu hoa giấy ghép nhiều màu được tiêu thụ mạnh, nhưng do tay nghề trồng hoa giấy ghép nhiều màu của các thành viên chưa đồng đều, thời gian tới, HTX mong Hội ND tỉnh và thành phố hỗ trợ tổ chức các lớp truyền nghề về kỹ thuật ghép hoa giấy cho nông dân có cùng mục tiêu về trồng hoa kiểng ở Long Bình.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.