27/08/2022 13:45
Nhờ nguồn vốn vay, bà Thạch Thị Ngọc Giàu phát triển mô hình kinh tế tổng hợp.
Thông qua các chương trình, nguồn vốn hỗ trợ nhiều hộ nghèo, hộ Khmer nghèo chủ động chuyển đổi sản xuất, cơ cấu mùa vụ hợp lý hình thành những mô hình chăn nuôi, trồng trọt và kinh tế tổng hợp mang lại hiệu quả cao. Điển hình như nông dân Thạch Sol, ấp Lạc Sơn, xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang đã vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay thông qua Tổ Tiết kiệm và Vay vốn của Hội Nông dân xã.
Ông Thạch Sol cho biết: gia đình thuộc diện hộ nghèo, tôi là lao động chính trong gia đình có 06 thành viên, trước đây cuộc sống khó khăn, làm thuê, thu nhập không ổn định. Năm 2011, gia đình tôi được Tổ Tiết kiệm và Vay vốn ấp Lạc Sơn xét cho vay 20 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế.
Sau khi nhận vốn vay, được sự giúp đỡ của Hội đoàn thể ủy thác, Tổ Tiết kiệm và Vay vốn hướng dẫn sử dụng nguồn vốn nuôi bò sinh sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình nuôi bò sinh sản, ông đã đúc kết nhiều kinh nghiệm nên mang lại hiệu quả cao, sau khi bò sinh sản, bò cái ông để lại nuôi để gầy thêm giống, bò đực thì nuôi thúc từ 06 - 08 tháng xuất bán, lợi nhuận từ 10 - 15 triệu đồng/con.
Theo ông Sol, nhờ nguồn vốn vay thông qua Hội đoàn thể, gia đình ông có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo, đến năm 2020, gia đình ông đã trả hết nợ vay. Để thoát nghèo bền vững và có vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, năm 2021, gia đình ông tiếp tục được Hội đoàn thể xét cho vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để xây dựng chuồng trại, tăng đàn bò nuôi và mua thêm đất canh tác, đến nay, gia đình ông đã thành hộ khá, xây dựng nhà ở khang trang, duy trì 04 con bò sinh sản và 0,5ha đất nông nghiệp để sản xuất.
Gia đình bà Huỳnh Thị Đẹp, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang là hội viên Hội Phụ nữ ấp và là hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, kinh tế dựa vào làm thuê theo mùa vụ. Bà Đẹp cho biết: với mong muốn được an cư lạc nghiệp, đầu năm 2019 gia đình bà đuợc Hội Liên hiệp phụ nữ xã xét hỗ trợ vốn vay 40 triệu đồng xây dựng nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn II), từ đó bà yên tâm lao động sản xuất.
Theo bà Đẹp, ngoài vốn vay hỗ trợ cất nhà, thông qua Hội đoàn thể gia đình bà được tiếp tục hỗ trợ vốn vay 40 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phát triển chăn nuôi để thoát nghèo bền vững. Được Hội đoàn thể hướng dẫn, định hướng phát triển kinh tế gia đình, bà quyết định mua 02 con bò sinh sản về nuôi. Nhờ nỗ lực của bản thân, học hỏi kinh nghiệm và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, đến nay đàn bò của gia đình đã sinh sản được 04 con. Có được kết quả này nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và Hội đoàn thể, thời gian tới, bà tiếp tục lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cũng từ nguồn vốn vay thông qua Hội đoàn thể, gia đình bà Thạch Thị Ngọc Giàu, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn đầu tư vào trồng dưa hấu 03 vụ/năm kết hợp với nuôi bò sinh sản. Bà Giàu cho biết: gia đình có 0,3ha đất trồng màu, do xuất thân từ gia đình nông dân nên vợ chồng bà có kinh nghiệm trong trồng dưa hấu. Trong quá trình sản xuất, nhờ nguồn vốn vay 50 triệu đồng của Hội đoàn thể đầu tư nuôi bò sinh sản kết hợp với trồng màu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với đó, gia đình bà được địa phương vận động hỗ trợ vốn xây dựng căn nhà kiên cố để an tâm sản xuất. Đối với dưa hấu, mỗi vụ sản xuất, thuận mùa thuận giá lợi nhuận từ 20 - 30 triệu đồng/vụ, thất giá lợi nhuận 15 - 20 triệu đồng/vụ. Nhờ trồng dưa hấu những năm qua không chỉ riêng gia đình bà mà nhiều hộ dân trong ấp đã vươn lên thoát nghèo.
Với những chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi trong thời gian qua đã đẩy nhanh mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn huyện, góp phần tác động trực tiếp tới từng hộ dân ở nông thôn.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.