15/05/2024 08:47
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Trà Vinh.
Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT).
Dự tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh, có đồng chí Nguyễn Trung Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh.
Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp” là hội nghị số hóa đầu tiên với quy mô toàn quốc về kinh tế ngành trong năm 2024 do Bộ NN-PTNT phụ trách; nhằm tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của hoạt động số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước trong điều kiện phát triển hiện nay.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp” luôn được quan tâm. Nông nghiệp luôn là nền tảng vững chắc, trụ cột kinh tế trong đảm bảo an ninh lương thực và là nguồn cung cấp các sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đã giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Hội nghị đã dành thời gian để lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các tỉnh chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn về lộ trình số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp từ trung ương đến địa phương; nhất là đánh giá về nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số còn hạn chế; sự kết nối, chia sẻ, liên kết giữa các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, doanh nghiệp công nghệ, hợp tác xã, nông dân chưa chặt chẽ, hệ thống hạ tầng công nghệ chưa đồng đều giữa các khu vực và vùng địa lý, thể chế đầu tư cho chuyển đổi số còn chưa đồng bộ...
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, đánh giá cao những kết quả đạt được về thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp thời gian qua. Ngành NN-PTNT cùng với các ngành đã giúp nông dân tiếp cận với những công nghệ mới, khoa học mới… tạo nên những thành tựu quan trọng.
Phó Thủ tướng chỉ đạo ngành NN-PTNT, các bộ, ngành trung ương; các chuyên gia tiếp tục đánh giá thực trạng, các điểm nghẽn về tình hình số hóa, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời đề ra giải pháp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tiễn và đề xuất giải pháp về số hóa nông nghiệp chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp trên phạm vi cả nước; góp phần tạo cho ngành nông nghiệp tăng trưởng nhanh, bền vững.
Sau hội nghị này ngành NN-PTNT cùng các bộ, ngành Trung ương tập trung tháo gỡ những hạn chế mà hội nghị chỉ ra. Đồng thời, có kế hoạch, lộ trình thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp giai đoạn tới; tạo động lực thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu liên quan nông nghiệp, nông dân và nông thôn mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT và các sở, ngành tỉnh tham dự hội nghị.
* Đối với tỉnh Trà Vinh, đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở đẩy mạnh chuyển đổi số và đạt một số kết quả quan trọng.
Về quản lý nhà nước, 100% giấy phép thực hiện qua hành chính công; văn bản phát hành và nhận qua ioffice. Các công ty, đơn vị đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; lĩnh vực trồng trọt, phát triển dịch vụ máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, toàn tỉnh hiện có 52 máy phun trên 15.000ha/vụ; triển khai bẫy rầy thông minh, trạm giám sát côn trùng; ứng dụng phần mềm quản lý dữ liệu bảo vệ thực vật (PPDMS); hệ thống bơm nước tự động: sản xuất lúa cánh đồng lớn; dự báo thời tiết qua Zalo nhóm; sản xuất rau, màu trong nhà lưới kiểm soát nhiệt độ, ẩm độ tự động (đã hỗ trợ trên 80 cơ sở); định vị cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm 82 mã. Trong đó, 57 mã phục vụ trong nước và 25 mã phục vụ xuất khẩu).
Đối với lĩnh vực thủy sản, lắp đặt hệ thống quan trắc nước tự động; nuôi tôm kiểm soát qua điện thoại thông minh, trong đó có mô hình TOMGOXY khép kín kiểm soát tự động từ nuôi đến phân phối sản phẩm; kiểm tra an toàn tàu cá tự động, trang bị máy dò cá cho các tàu cá; quan trắc nước tự động; 100% tàu cá (247 tàu có chiều dài hơn 15m) lắp đặt VMS giám sát hành trình cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản qua phần mềm VNFISHBASE.
Lĩnh vực chăn nuôi, triển khai kiểm soát quá trình nuôi qua điện thoại thông minh; xác minh, quản lý, xác định các ổ dịch bệnh qua phần mềm để phục vụ công tác phòng, chống dịch (VAHIS); định vị đơn vị hành chính cấp xã phục vụ công tác phòng, chống dịch (GPS); thu phí kinh doanh online; truy xuất nguồn gốc heo thịt, gà thịt, trứng gà từ chuồng nuôi đến bàn ăn; quản lý khí phát thải công trình biogas bằng phần mềm LogAlto (207 hầm - dự án SNV từ 2022-2026)….
Triển khai đồng bộ một số lĩnh vực về quản lý, bảo vệ rừng; nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; tự động đo độ mặn, mực nước các vàm, cống điều tiết nước; lắp đặt cột phòng chống giông sét… chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh từng bước đáp ứng theo nhu cầu của từng lĩnh vực và của toàn ngành.
Tin, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.