26/12/2020 11:38
Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Diệp Tấn Luận, Chi hội trưởng Cựu chiến binh (CCB) ấp Chợ, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú đã nỗ lực vượt khó, dám nghĩ dám làm, thực hiện hiệu quả mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại địa phương. Qua đó, giúp phát triển kinh tế gia đình, tham gia tốt hoạt động Hội. Đồng thời, hỗ trợ hội viên CCB trong ấp nâng cao đời sống, xóa nghèo.
Cựu chiến binh Diệp Tấn Luận chăm sóc bò. |
Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo tại xã Phước Hưng, năm 1985, ông Diệp Tấn Luận nhập ngũ và tham gia vào quân ngũ, bảo vệ Tổ quốc. Năm 1992 hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ về địa phương trong điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, ông đã nỗ lực, phấn đấu vươn lên. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế- xã hội thời điểm đó chưa phát triển, gia đình có 3.000m² đất sản xuất lúa nhưng năng suất không cao, không đảm bảo cuộc sống, vừa trồng lúa vừa làm thuê quanh năm nhưng gia đình vẫn là hộ nghèo. Bản thân là trụ cột gia đình có 06 người, ông không cam chịu cảnh nghèo khó, lúc nào cũng nung nấu ý chí vươn lên. Khi tham gia vào Hội CCB ấp, ông đã trao đổi, học hỏi nhiều cách làm ăn, hướng đến mục tiêu thoát nghèo.
Qua học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè và tìm hiểu trên các phương tiện thông tin, sách báo, những năm gần đây, kinh tế gia đình từng bước nâng lên, sau đó, ông Diệp Tấn Luận chọn thực hiện mô hình ruộng- ao- chuồng (trồng lúa, nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi bò sinh sản) để tìm cơ hội thoát nghèo. Ông Luận kể: được sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể xã, khoảng 05 năm trước, tôi được vay 15 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, 05 triệu đồng từ Quỹ Giúp nhau làm kinh tế của Hội CCB. Với số tiền vay cộng với vốn tích lũy của gia đình, tôi duy trì sản xuất lúa 03 vụ/năm, đồng thời, tận dụng đất sau nhà làm chuồng nuôi bò sinh sản. Qua xem báo, nghe đài và kiến thức học hỏi từ các lớp tập huấn, tôi mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới vào trồng lúa, nuôi bò sinh sản và nuôi tôm. Từ 01 bò sinh sản ban đầu, qua năm sau, tôi đã có 01 bê con, cứ duy trì như vậy, đàn bò của gia đình tăng dần, đến nay đã có 06 bò sinh sản.
Năm 2018, ông Luận đào ao trên diện tích 1.000m² đất lúa làm để nuôi tôm thẻ chân trắng, vụ đầu ông “nuôi thử” 100.000 con tôm thẻ chân trắng. Kết quả, sau 03 tháng, gia đình ông thu hoạch hơn 01 tấn tôm thương phẩm, bán được 110 triệu đồng, lợi nhuận 43 triệu đồng. Thấy việc nuôi tôm thẻ chân trắng có hiệu quả, ông tiếp tục duy trì phát triển mô hình, đầu tư nuôi tôm, nuôi bò thêm.
Ông Luận chia sẻ, vùng đất của Phước Hưng, cơ bản không có nước mặn như một số xã ven biển nên khi đào ao nuôi tôm, tôi mua gần 0,8 tấn muối hòa vào nước, sau đó liên hệ với đơn vị cung cấp tôm giống, đo độ mặn trong ao, thuần tôm giống phù hợp với độ mặn mới thả giống. Tuy không phải vụ nào cũng có lợi nhuận nhưng qua 06 vụ nuôi, hiệu quả từ tôm thẻ chân trắng mang lại cao hơn so với trồng lúa rất nhiều.
Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi, gia đình ông Luận đã vươn lên thoát nghèo, kinh tế phát triển khá, xây dựng nhà kiên cố. Bà Lâm Thị Bách Thảo (vợ ông Luận), chia sẻ: qua bao khó khăn, vợ chồng đồng lòng chăm lo lao động, sản xuất, vừa phụng dưỡng cha mẹ già, vừa lo cho 02 người con, một đứa hiện tốt nghiệp THPT, là công an viên của ấp và phụ giúp gia đình; đứa nhỏ tốt nghiệp đại học và vừa có việc làm tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải. Các con có việc làm, kinh tế gia đình ổn định là niềm vui nhất của gia đình.
Đảm nhận nhiệm vụ Chi hội trưởng CCB ấp Chợ từ năm 2014 đến nay, với sự nhiệt tình của bản thân, ông Diệp Tấn Luận đã lãnh đạo Chi hội hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao hàng năm, nhất là trong chăm lo đời sống hội viên, thực hiện các phong trào XDNTM, được Hội CCB xã đánh giá vững mạnh xuất sắc nhiều năm liền, bản thân ông được khen thưởng các cấp. Vừa qua, ông được Hội CCB tỉnh tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi (giai đoạn 2016-2020).
Ông Diệp Tấn Luận cho biết: nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, tôi vận động quỹ hội được 10 triệu đồng để giúp hội viên nghèo có nguồn vốn đầu tư sản xuất. Ngoài ra, tín chấp cho hội viên vay vốn sản xuất, nhờ đó, kinh tế hội viên chi hội ngày càng ổn định, từ năm 2016 đến nay, năm nào chi hội cũng có hội viên thoát nghèo, đến nay, Chi hội CCB ấp Chợ không còn hội viên nghèo. Thời gian tới, tôi tiếp tục vận động hội viên chăm lo lao động, sản xuất, xây dựng gia đình ấm no, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Hàng năm, gia đình ông Diệp Tấn Luận thu hoạch từ lúa lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng; 06 bò sinh sản, mỗi năm sinh được 06 bò con, sau 06-07 tháng nuôi, bán bò con cho người mua vỗ béo, giá dao động từ 15-20 triệu đồng/con, lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm. Riêng tôm thẻ chân trắng lợi nhuận 50 triệu đồng/vụ. Tổng cộng mỗi năm, mô hình sản xuất mang lại lợi nhuận cho gia đình trên 200 triệu đồng. Hiện, gia đình ông đã mua thêm 5.000m² đất để sản xuất lúa chất lượng cao.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.