19/09/2021 09:47
Nông dân xã Hiếu Tử chăm sóc lúa vụ thu- đông năm 2021.
Chi phí đầu vào tăng cao là một bài toán khó cho nông dân khi bước vào vụ sản xuất mới. Tính đến nay lúa thu- đông năm 2021 trên địa bàn huyện Tiểu Cần đã xuống giống được 8.958ha, đạt 75,9% so với kế hoạch, dự kiến đến cuối tháng 9/2021 sẽ xuống giống dứt điểm. Thời điểm này lúa đang giai đoạn 01 - 28 ngày sau sạ, nông dân thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện các đối tượng sâu bệnh hại để có biện pháp xử lý đạt hiệu quả. Đồng thời chăm sóc, bón phân để bộ rễ phát triển mạnh, giúp cây lúa hấp thu phân bón tốt nhất, đẻ nhánh tốt và hạn chế sâu bệnh. Nhưng trước tình hình giá vật tư tăng cao như hiện nay thì nông dân cần phải tính toán thật kỹ khi sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để giảm chi phí đầu vào nhưng vẫn đảm bảo năng suất.
Kỹ sư Võ Quang Cường, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần cho biết: giá vật tư nông nghiệp tăng cao trong những tháng qua, nông dân lo lắng vụ lúa thu- đông năm 2021 năng suất sẽ không cao, không có lợi nhuận, thậm chí lỗ và nếu kéo dài tình trạng này thì nông dân khó duy trì sản xuất. Trong khi chờ đợi các ngành chức năng có chính sách, giải pháp bình ổn giá vật tư nông nghiệp cũng như giải pháp tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh Covid- 19 hiện nay thì nông dân cần thiết phải áp dụng các tiến bộ trong sản xuất theo hướng giảm phân bón hóa học, tăng cường phân bón hữu cơ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật như “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu - tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả), “1 phải, 5 giảm” (phải sử dụng giống lúa cấp xác nhận hoặc nguyên chủng; giảm lượng hạt giống gieo trồng, giảm phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch). Các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân các giải pháp đồng bộ trong sản xuất: kỹ thuật làm đất, sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm, hiệu quả và phun thuốc bảo vệ thực vật khi thật sự cần thiết.
Ông Võ Quang Cường khuyến cáo: để kéo giảm chi phí sản xuất thì nông dân cần áp dụng một số yếu tố quan trọng cần thiết ở các khâu như: làm đất, chọn giống, chăm sóc, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch đúng thời điểm là yếu tố quyết định giá thành sản xuất. Cụ thể, sau khi thu hoạch lúa vụ trước cần phải cày xới, vệ sinh đồng ruộng, trang bằng mặt ruộng, đánh rãnh thoát nước tốt và bón lót phân lân hoặc vôi với liều lượng 20- 30kg/công để giảm thất thoát giống gieo sạ, cây lúa phát triển đồng đều, bộ rễ phát triển tốt, hấp thu phân bón hiệu quả nhất, đặc biệt là dễ quản lý cỏ dại và ốc bươu vàng gây hại. Chọn giống phải phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, những giống lúa có khả năng hạn chế được sâu bệnh, cho năng suất và chất lượng cao phù hợp với yêu cầu thị trường. Kết hợp áp dụng các biện pháp sạ hàng, sạ thưa,… lượng giống sử dụng không vượt 120kg/ha; bón phân cân đối giữa đạm -lân- kali, theo giai đoạn sinh trưởng, tránh bón phân thừa đặc biệt là phân đạm để tránh đổ ngã và hạn chế sâu bệnh. Liều lượng phân bón khuyến cáo chung của huyện là 80 N + 35- 40 P2O5 + 30 K2O (tùy vào điều kiện đất mà có thể tăng hay giảm lượng phân bón cho hợp lý).
Trong điều kiện biến đổi khí hậu và giá vật tư tăng cao như hiện nay trước khi gieo sạ nông dân nên bón lót phân lân hoặc dùng các chế phẩm sinh học khác để giúp bộ rễ phát triển tốt, hấp thu phân bón hiệu quả giúp cây lúa đẻ chồi hữu hiệu, kết hợp thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại để phun trị đạt hiệu quả, tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” tránh phun ngừa, phun tăng liều so với khuyến cáo,… mà chỉ phun khi thật sự cần thiết để bảo vệ thiên địch, giảm chi phí. Bón phân cân đối, đúng giai đoạn sinh trưởng giúp cây lúa đẻ chồi hữu hiệu, đảm bảo đủ số cây trên đơn vị diện tích. Không sử dụng thuốc trừ sâu giai đoạn trước 40 ngày sau sạ, không phun ngừa, phun liều cao, phun phối hợp nhiều đối tượng,… xác định đúng độ chính để đảm bảo chất lượng và giảm thất thoát sau thu hoạch.
Để vụ lúa thu- đông năm 2021 đạt hiệu quả, nông dân phải tuân thủ lịch thời vụ, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật nhằm giảm lượng giống gieo sạ thì sẽ giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhưng sẽ tăng năng suất, tăng chất lượng mà lại giảm được chi phí sản xuất cho bà con nông dân. Đồng thời trong điều kiện thời tiết vụ thu- đông mưa nhiều, mưa nắng xen kẻ, bà con cũng cần chú ý các đối tượng sâu bệnh có thể xuất hiện như: sâu cuốn lá, rầy nâu, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, các bệnh do vi khuẩn… và chuột nhằm giảm đến mức thấp nhất chi phí sản xuất nhưng vẫn đảm bảo về năng suất.
Bài, ảnh: MỸ HẠNH
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.