05/12/2021 13:05
Thông qua công tác dân vận khéo được các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể cùng với ngành nông nghiệp tổ chức vận động, tuyên truyền sâu rộng trong nông dân và tạo sức lan tỏ, tác động tích cực trong nhận thức của người dân hiểu đúng và đầy đủ về vai trò của thủy lợi nội đồng trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất…
Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương của người dân hiến đất, hoa màu để nạo vét, đào mới hàng ngàn công trình kênh cấp III, với giá trị mà người dân tham gia hiến đất, hoa màu (quy đổi ra tiền) từ 04 - 05 tỷ đồng/năm để thực hiện. Năm 2020, huyện Trà Cú thực hiện 158 công trình kênh cấp III, dài 96,725km, đạt 104,8% so kế hoạch, diện tích phục vụ 2.714ha, diện tích đất được người dân hiến hơn 22,59ha (quy đổi ra tiền trên 13,5 tỷ đồng).
Theo ông Thạch Sô Phanh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú: năm 2021, nhờ tham gia của cộng đồng trong thực hiện các dự án thủy lợi rất lớn, không chỉ đối với kênh cấp III, còn tham gia khắc phục, gia cố các tuyến bờ bao, bờ vùng bị sạt lở do triều cường. Trong này, thực hiện 190 hạng mục công trình, tổng chiều dài 122,17km, diện tích vận động nông dân hiến đất 12ha (đào mới và nạo vét 115 kênh cấp III, tổng chiều dài 114,595km, diện tích đất, hoa màu do người dân hiến 10,95ha; nâng cấp và gia cố sạt lở bờ bao 59 hạng mục công trình, dài 7,384km, diện tích dân hiến đất 1,52ha...). Nhiều địa phương đã vận động Nhân dân tham gia hiến đất, hoa màu làm thủy lợi rất tốt như Kim Sơn, Hàm Giang, Lưu Nghiệp Anh, Long Hiệp…
Huyện Trà Cú hàng năm có diện tích sản xuất lúa khoảng 40.000ha và 6.000ha màu, tuy nhiên, phần lớn diện tích canh tác thường bị gò, cao và nằm cuối nguồn tiếp ngọt. Việc tích nước ngọt trong nội đồng thông qua giải pháp nạo vét kênh thủy lợi luôn được các địa phương và ngành nông nghiệp huyện triển khai sâu rộng trong nông dân. Đối với xã Long Hiệp, là địa phương có diện tích sản xuất lúa khá lớn với trên 1.400ha, trong đó vùng sản xuất tập trung có diện tích 1.000ha tại 07/07 ấp. Hiện toàn xã có 26 tuyến kênh cấp III, với tổng chiều dài 19,671km.
Cánh đồng lúa ấp Ba Trạch, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú nhờ hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng đã góp phần nâng cao năng suất và tăng vòng quay của đất canh tác.
Theo ông Lê Văn Chắc, cán bộ nông nghiệp xã Long Hiệp, hàng năm, địa phương phải vận động người dân thực hiện nạo vét thủy lợi nội đồng theo hình thức “cuốn chiếu” đối với các công trình sau 03-04 năm sử dụng, tiến hành nạo vét lại nhằm tránh bồi lắng và khơi thông dòng chảy. Trong năm 2021, xã thực hiện 02 công trình (dài 0,8km) ở ấp Trà Sấc C, vượt 45% so với kế hoạch. Những năm qua, phong trào người dân tham gia hiến đất, hoa màu làm thủy lợi ở Long Hiệp rất tích cực. Qua đó, đưa số diện tích đất sản xuất nông nghiệp được chủ động tưới và tiêu là 1.204 ha, đạt 83,68%.
Để đạt được những kết quả trên, đặc biệt là qua mô hình “Dân vận khéo” được các đoàn thể ấp và chính quyền ở xã Long Hiệp triển khai, kết hợp với Ban quản trị các chùa Khmer và những người có uy tín trong đồng bào Khmer để cùng với ngành nông nghiệp vận động, tuyên truyền trong nông dân để thấy sự cần thiết và lợi ích của thủy lợi, có tác động vào trong sản xuất, nâng cao năng suất lúa và cây trồng khác.
Nông dân Thạch Hoa, ấp Nô Rè, xã Long Hiệp chia sẻ: trong năm 2020, khi tuyến kênh nội đồng được địa phương triển khai đào mới đi qua ruộng của gia đình. Bản thân thấy Nhà nước lo cho dân để đào kênh nội đồng, dẫn nước và giúp sản xuất được thuận lợi, cái lợi mà người nông dân hưởng là đồng ruộng của gia đình mình có đầy đủ nước sản xuất, năng suất lúa tăng lên, không lo thiếu nước khi vào mùa khô hạn… nên tôi mạnh dạn hưởng ứng hiến trên 300m2 đất (dài 60m, ngang 05m) và vận động các hộ cùng tham gia hiến đất, hoa màu khi công trình đi qua phần đất của gia đình; không chỉ làm cho ruộng gia đình mình đủ nước sản xuất mà còn giúp cho hàng trăm hộ sản xuất khác cùng hưởng lợi từ công trình thủy lợi mang lại.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.